Sau 4 năm được phê duyệt, Dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa vẫn chỉ là một bãi đất trống được quây tôn. Ảnh: Nguyễn Chung. |
Liên tục chậm tiến độ
Dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt theo Quyết định 4414 ngày 28/10/2019 và điều chỉnh tiến độ tại Quyết định 5048 ngày 25/11/2020. Dự án có diện tích khoảng 30ha, gồm các ngành nghề hoạt động như: các dự án cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản; sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm nghiệp; may mặc, giày da, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề khác có liên quan.
Tổng mức vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 25 tỷ đồng; vốn vay, vốn hỗ trợ khác là 135 tỷ đồng. Theo kế hoạch thực hiện dự án, quý I/2020 sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế, giải phóng mặt bằng, giao đất; vào quý III/2022, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đây là dự án được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn cho bức tranh kinh tế của huyện miền núi Như Xuân, bằng việc thu hút nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau 4 năm được phê duyệt, dự án vẫn chỉ là một bãi đất nham nhở được quây kín tôn, khối lượng công việc mà nhà thầu thi công ước đạt khoảng 30%. Niềm hy vọng nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng…
Ông Lê Đình Môn - người dân sinh sống ngay sát khuôn viên của dự án bức xúc cho biết: Người dân địa phương đã rất hy vọng khi Cụm công nghiệp được phê duyệt và công bố. Rồi đây, con em địa phương trong độ tuổi lao động sẽ được nhận vào làm việc với thu nhập ổn định mà không còn phải chịu cảnh “tha phương cầu thực”. “Sau lễ khởi công hoành tráng, rầm rộ thì đến nay, tất cả chỉ là bãi đất trống. Nhà đầu tư chỉ làm một khu nhà tạm trông coi, còn lại không có bất kỳ máy móc, thiết bị nào hoạt động” - ông Môn nói.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Trước tình trạng nhà đầu tư không có động thái thực hiện thi công cụm công nghiệp như đã cam kết, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương cần sớm có văn bản báo cáo cấp trên xem xét đôn đốc hoặc chấm dứt hoạt động. Chứ để thế này rất lãng phí tài nguyên đất của địa phương”.
Tìm hiểu thêm từ phía UBND huyện Như Xuân, được biết: Trước tình trạng chậm tiến độ của dự án, huyện cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc tiến độ gửi chủ đầu tư. Đến ngày 27/3/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Công Hà (đơn vị đầu tư) cũng có công văn gửi huyện Như Xuân giải trình và cam kết “sẽ cố gắng khắc phục bằng việc tăng ca, tăng kíp để công việc sớm được hoàn thành”. Tuy nhiên trái với cam kết, tính đến ngày 10/8/2023, chủ đầu tư mới thực hiện san lấp được khoảng 30% và đến nay mọi việc vẫn nằm trong tình trạng “án binh bất động”.
Kiên quyết xử lý
Vì sao một dự án trọng điểm, mang nhiều ý nghĩa như Cụm công nghiệp Xuân Hòa lại không được chủ đầu tư đẩy mạnh việc xây dựng và đưa vào sử dụng đúng thời hạn? Ông Nguyễn Quang Dự - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Như Xuân cho biết: “Hiện nay, huyện rất sốt ruột và bức xúc khi nhà đầu tư không triển khai thi công hạ tầng Cụm công nghiệp Xuân Hòa như đã hứa. Đích thân Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Tuất đã nhiều lần gửi văn bản tới chủ đầu tư đôn đốc nhưng đơn vị này vẫn không có động thái thực hiện”.
“Trong công văn giải trình gửi UBND huyện, họ cũng viện ra nhiều lý do khác nhau để lý giải cho việc dự án chậm tiến độ. Trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Công Hà không triển khai thực hiện theo cam kết đã ký tại Biên bản làm việc ngày 26/8/2022, UBND huyện Như Xuân báo cáo Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chấm dứt hiệu lực Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Xuân Hòa, theo quy định của pháp luật” - ông Dự cho hay.
Ngày 14/12/2023, tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa đã nêu các nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn (trong đó có dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa). Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm của Sở đối với việc chậm triển khai hạ tầng tại các cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa cho biết: Hàng tháng, Sở Công thương đã rà soát về tiến độ của các cụm công nghiệp, xác định những khó khăn, vướng mắc, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để chấm dứt hiệu lực của quyết định đối với chủ đầu tư đó và lựa chọn chủ đầu tư mới.
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: daidoanket.vn