Trong tỉnh

Dự án bò sữa 3.800 tỷ đồng tại Thanh Hóa: Gỡ đến đâu rối đến đó!

Được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn trong tương lai gần, Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp được các cấp, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên...

Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, niềm tin đang bị lung lay dữ dội…

Băn khoăn một dự án khủng

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, triển khai tại 2 xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, do Cty TNHH 2TV ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (sau đây gọi tắt là Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ) làm chủ đầu tư được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 với diện tích khoảng 1.354ha, thời gian hoạt động kéo dài 50 năm.

Nhiều hộ dân điêu đứng vì Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp

Tổng kinh phí triển khai lên đến 3.800 tỷ đồng, tiến độ thực hiện chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (quy mô 5.000 con) triển khai từ quý IV/2017 - quý IV/2019, giai đoạn 2 (quy mô 15.000 con) triển khai từ quý I/2020 - quý I/2022.

Là một dự án điểm về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đặt nhiều kỳ vọng vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH nói chung, đồng thời trực tiếp cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho nhân dân vùng hưởng lợi. Tiếc thay tình hình lại không được xuôi chèo mát mái như kế hoạch vạch sẵn, đã quá 1 năm sau ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu.

Theo dõi, dễ nhận thấy dự án “điểm” bộc lộ hàng loạt vấn đề. Đầu tiên là công tác GPMB, mặc dù đã hoàn thành công tác kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và thông báo thu hồi đất đến các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực ảnh hưởng. Tuy nhiên, phía Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ không thực hiện ứng trước kinh phí cho UBND huyện Nông Cống để tổ chức chi trả theo phương án được phê duyệt, chưa kể đơn vị này còn đề nghị điều chỉnh địa điểm sang vị trí mới phù hợp với “túi tiền” sẵn có. Động thái này khiến các cấp, ngành liên quan thực sự lúng túng, bản thân người dân bị đẩy vào thế khó, tiến không được mà lùi cũng chẳng xong bởi thực tế rất nhiều hộ đã ngừng hẳn sản xuất chỉ chực chờ ngày được nhận tiền chi trả.

Về năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương (nộp ngày 24/3/2017, bổ sung ngày 5/5/2017), Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ đăng ký thực hiện dự án với tổng vốn 3.800 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 570 tỷ đồng, chiếm 15%, tỷ lệ đảm bảo theo Quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và phù hợp với vốn điều lệ của công ty (604,3 tỷ đồng). Phần vốn vay 3.230 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP Bắc Á chấp thuận (Văn bản số 169/2017/BacABank ngày 7/4/2017), như vậy công ty hoàn toàn đủ năng lực tài chính. Lạ một điều, phía Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ về sau lại báo cáo không có khả năng thực hiện, trong khi thực chất dự toán kinh phí bồi thường, GPMB chỉ khoảng 90 tỷ đồng, chiếm 2,37% tổng kinh phí (?!).

Phương án điều chỉnh có vấn đề

Viện dẫn kinh phí bồi thường, GPMB quá lớn (xấp xỉ 797 triệu đồng/ha) sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án, Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ đã có công văn đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thế nhưng qua phân tích, đánh giá thì phương án “chữa cháy” thực sự tiềm ẩn nhiều mối lo.

Điều này được thể hiện rõ ràng trong công văn số 2812/SKHĐT-KTĐN ngày 8/6/2018 của Sở KH-ĐT trình UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở đã nghiên cứu hồ sơ xin điều chỉnh một số nội dung dự án (nộp ngày 7/5/2018) và tổng hợp ý kiến tham gia của các ngành, đơn vị liên quan (UBND huyện Nông Cống, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở TN-MT).

Sở KH-ĐT đề xuất không chấp thuận điều chỉnh quy mô, địa điểm của dự án này

Mặc dù đề nghị chuyển khu đất xây dựng trang trại bò sang vị trí mới cách địa điểm cũ 1,5km về phía tây nam, tuy nhiên trong phương án điều chỉnh của đơn vị lập ra lại không thể hiện được vị trí xây dựng công trình, “khuyết” yếu tố này thành thử cơ quan chức năng không có cơ sở xác định khoảng cách an toàn và khoảng cách bảo vệ vệ sinh tối thiểu từ nguồn phát thải đến khu dân cư gần nhất theo Quyết định số 3733/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động (khoảng cách tối thiểu là 500m); Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9121:2012 của Bộ NN-PTNT về Trại chăn nuôi gia súc lớn (yêu cầu khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 200m; cách nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 500m).

Đáng nói, chính Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ từng quả quyết với tổng mức đầu tư ban đầu (3.800 tỷ đồng) thì đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình huy động vốn. Thế nên việc điều chỉnh quy mô xây dựng hạng mục Trang trại bò và các công trình phụ trợ giảm từ 150ha xuống còn 70ha nhưng giữ nguyên tổng mức đầu tư nghiễm nhiên “không phù hợp với tình hình thực tế” theo như phân tích của đơn vị chuyên ngành.

Từ những cơ sở nêu trên, một mặt Sở KH-ĐT đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý gia hạn thêm 120 ngày để đơn vị hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục pháp lý, mặt khác kiến nghị: “Không chấp thuận điều chỉnh về quy mô, địa điểm thực hiện của Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ”.

Trong quá trình thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho Cty TNHH 2TV sữa Yên Mỹ. Đáng tiếc tiến độ diễn ra quá chậm, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, điều này đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân trong vùng dự án cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok