Giáo dục

Đổi mới giáo dục nhìn từ cơ sở

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được nhận định có nhiều thay đổi, tác động đến giáo viên, HS và các nhà quản lý. Do vậy, tùy vào điều kiện thực tế mỗi trường, mỗi vùng mà hiệu trưởng, giáo viên có cái nhìn khác nhau, tìm lối đi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tiếp nhận của HS.

Đối diện thách thức

Chương trình mới phân chia thành hai giai đoạn là cơ bản và định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới cũng đòi hỏi HS có khả năng tổng hợp và biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra.

Như vậy, với vùng thuận lợi sẽ dễ dàng thực hiện bởi giáo viên, HS đã quen với việc các em đưa ra quyết định cho tương lai của mình thông qua việc lựa chọn khối, ngành, môn học ngay từ khi học năm cuối THCS hoặc đầu năm lớp 10.

Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) - cho biết: Điểm dễ nhận thấy ở trường học vùng thuận lợi là trong lớp học có nhóm HS theo khối ngành khác nhau. Giáo viên giữ vai trò truyền đạt kiến thức chung, theo chương trình khung còn kiến thức chuyên sâu cho việc thi vào các trường CĐ, ĐH hoặc du học do HS chủ động trau dồi.

Còn với HS vùng khó, chủ yếu là người DTTS, do mặt bằng thấp, kiến thức, trình độ mỗi em một khác và phần lớn là hổng từ thấp lên cao nên thầy cô không chỉ là người dạy mà còn dỗ các em từ việc thay đổi thói quen đến giữ nề nếp và tập trung vào việc học thay vì nghỉ học lấy vợ, lấy chồng theo phong tục địa phương.

Tại Trường THPT A Túc, HS chủ yếu là người Pa Kô, Vân Kiều, đời sống kinh tế của gia đình các em còn khó khăn. Cuộc sống hàng ngày các em bó hẹp trong khuôn viên làng xã nên lâu nay không quen với việc sáng tạo hay làm chủ việc học. Do đó, thực hiện chương trình GDPT mới, chuyên sâu, hướng đến việc HS bắt buộc phải lựa chọn ngành nghề cho tương lai sẽ không dễ dàng với các trường vùng khó.

Thành bại do con người quyết định

Thầy Nguyễn Quý Hùng (Trường THCS Cao Quảng, Tuyên Hóa, Quảng Bình), chỉ ra thực tế HS vùng sâu yếu nhiều mặt. Khả năng tiếp nhận kiến thức của các em chậm trong khi gia đình chủ yếu đi rừng, việc quan tâm đến con cái hạn chế, thậm chí giao hết cho giáo viên. Theo quan điểm cá nhân, thầy Hùng cho rằng khi thực hiện chương trình mới với HS dân tộc, HS vùng khó cần có quá trình tiếp cận lâu dài. Nếu thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến bỡ ngỡ cho HS.

Khó khăn, thách thức khi thực hiện chương trình mới là điều bình thường, dễ hiểu. Theo thầy Tài, không chỉ khó với HS mà ngay cả giáo viên, không phải ai cũng có thể nhanh chóng theo kịp cái mới chứ đừng nói đến sự sáng tạo trong dạy học. Nhưng không vì khó mà không làm.

Đây là chủ trương lớn, thay đổi toàn diện, trên quy mô toàn quốc nên ngay từ bây giờ nhà trường xác định yếu tố con người quyết định tất cả nên đã động viên thầy cô chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đối đầu với thách thức. Trong quá trình làm sẽ rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tìm ra lối đi cho riêng mình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và HS.

Chủ động, cố gắng tiếp cận với cái mới, với sự thay đổi để bắt kịp xu thế là quan điểm của thầy Ngô Thanh Lịch (Trường THPT Thanh Miện, Thanh Miện, Hải Dương). Thầy Lịch cho biết: Bản thân thầy và các giáo viên trong trường đã tìm hiểu về chương trình mới và tự tin sẽ theo được.

Tuy vậy, thầy Lịch cũng bày tỏ băn khoăn: Chương trình mới yêu cầu sự sáng tạo cao của giáo viên và HS là cần thiết nhưng đa dạng quá, khiến thầy cô dạy nhiều, truyền đạt nhiều kiến thức và vô hình trung khiến các em phải học nhiều, dẫn đến quá tải - điều mà chúng ta đang tìm hướng giải quyết triệt để ở các cấp học thông qua chương trình mới.

Góp ý về chương trình GDPT mới, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phượng (Đoan Hùng, Phú Thọ) Nguyễn Mạnh Tài nhận xét, về tổng thể không có sự khác biệt lớn về giảm tải cho HS. Điển hình như với chương trình học cho HS lớp 4 vẫn còn những bài thơ, đoạn văn dài, câu văn trúc trắc nếu yêu cầu HS học thuộc lòng thì quá khó với các em. Tương tự, có bài toán mà bản thân giáo viên không dạy thường xuyên cũng phải mất thời gian suy nghĩ mới tìm ra cách giải phù hợp…

Tác giả: La Giang

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

  Từ khóa: Đổi mới giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok