Cơ duyên gắn với đàn cò
Gần 5h chiều, từ tứ phương hàng vạn con cò bắt đầu bay về vườn cây của ông Phạm Văn Của để trú ngụ. Nhiều năm nay, hàng vạn con cò về đây làm tổ và ngủ đêm sau một ngày kiếm ăn. Thấy đàn cò về, ông Của dẫn chúng tôi ra thăm đồi cò. Nghe thấy tiếng người đàn cò xáo xác, thế nhưng chỉ ít phút sau như nghe thấy tiếng ông chủ đàn cò im ắng, từng con ráo mắt nhìn theo từng bước chân của ông.
Ông Phạm Văn Của giới thiệu đồi cò. |
Vừa đi ông vừa kể: cò bắt đầu đến ở tại khu đồi trong vườn nhà ông từ năm 1987. Lúc đầu chỉ có năm đến mười con, sau này càng ngày càng đông, có thể do nhiều diện tích rừng đã bị tàn phá, ông bắt đầu trồng luồng, vầu và các loại cây tạp để cò có chỗ trú ngụ. Cứ đến mùa sinh sản, cò lại về làm tổ và đẻ trứng.
Bắt đầu từ những năm 1999 - 2000, cò về ngày một nhiều hơn. Khu đồi cò ngày trước có diện tích gần 4 ha, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 2ha do quá trình mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh.
Khi thấy có cò về, nhiều người đã săn bắn, nhưng ông Của quyết tâm bảo vệ đàn cò. Cùng với đó, ông báo cáo lên chính quyền địa phương nhờ sự can thiệp nên tình trạng săn bắn cũng đỡ đi.
Ông Của kể lại, ông sinh ra và lớn lên tại đây, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm quyết liệt nhất, ông rất muốn được ra chiến trường chiến đấu vì Tổ quốc. Thế nhưng cũng vì hoàn cảnh gia đình ông đành phải ở lại địa phương.
Năm 1968 ông lập gia đình với một người phụ nữ cùng thôn và sinh được 6 người con 4 trai, 2 gái. Ông từng làm Đội phó Đội sản xuất nông nghiệp của Nông trường Kiên Thọ. Khi nông trường giải thể, ông xin khu đồi rộng chừng 4 ha để khai phá làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp. Ban đầu ông trồng các loại cây như tre, nứa rồi sau đó mở rộng thêm các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế.
Những năm đầu khi cây nứa, cây vầu ông Của trồng còn nhỏ và thấp thì có khoảng vài chục con cò về đây ăn ngủ, chủ yếu là cò trắng. Chúng chỉ về ngủ chứ không làm tổ và dần dần chúng kéo nhau về rất nhiều. Đến nay ước tính khu vườn cò của ông lên tới hàng chục vạn cá thể. Chừng hơn 15 năm nay, khu vườn đã chính thức trở thành đất lành của chúng, cò bắt đầu về đây lập tổ sinh sống.
Trước đây ông Của hằng ngày lo chặt tre để làm hàng rào giữ vườn, không cho những kẻ săn bắn lọt vào vườn để bắt cò. Điều kỳ lạ là xung quanh khu vườn nhà ông Của cũng có nhiều khu vườn luồng, nứa rất rộng nhưng cò không làm tổ và trú ngụ.
Ông chăm sóc từng con cò nếu lỡ may chúng bị thương. |
Đã thành quy luật, cứ sáng ra đàn cò rủ nhau đi khắp nơi để kiếm ăn khoảng 5h chiều lại kéo nhau về, từng đàn cò bay lượn tìm chỗ đậu tại khu vườn ông Của tiếng kêu vang cả một vùng trời.
Ông chia sẻ: Con cò cũng giống như con người vậy, nơi nào yên bình, không bị đe dọa tính mạng chúng sẽ ở lại. Chúng rất tinh, mỗi khi chúng đi ăn thì thường có một con đứng để quan sát kẻ thù nếu thấy bất thường chúng sẽ báo hiệu cho cả đàn biết. Còn khi chúng trở về tổ thì bao giờ cũng chưa đậu ngay xuống ngọn cây mà chúng lượn xung quanh một vòng để dò xét, thấy yên ổn chúng mới xà vào tổ.
Tiền tỷ cũng không bán đồi cò và trăn trở khi đã gần đất xa trời
Tại khu vườn nhà ông Của có hàng vạn tổ cò được làm trên những cây tre, nứa và vầu. Trong thời gian gần đây, nạn săn bắn trộm cò thường xuyên xảy ra. Ông kể: “ Có đêm, khi tôi đang ngủ, bỗng nghe đàn cò kêu oang oác, bay nháo nhác trong đêm. Đoán là có người bắn trộm cò, tôi liền cầm đèn pin và dao chạy ngay lên vườn thì phát hiện một nhóm người dùng súng hơi để săn bắt đàn cò. Tôi liền kêu lên nhưng bọn chúng không sợ mà còn định đánh lại tôi. Sau đó tôi hô to con cái dân làng nghe được kéo nhau cầm theo gậy gộc chạy lên đồi, bọn chúng mới bỏ chạy".
Chỉ mấy hôm sau lại có một tốp người dân ở vùng lân cận lại tiếp tục đến săn cò. Lúc này chỉ có mình tôi ở nhà, con cái và dân làng đều ra đồng hết. Vội vàng tôi vác theo một cây dao dài lên thì thấy hàng chục con cò đã bị bọn săn bắn chết. Tôi lao vào ngăn cản thì chúng dùng súng đánh tôi chảy máu. Sau đó, tôi cố gắng hô lớn để bà con lên cứu, thấy thế chúng mới thôi không đánh tôi và bỏ chạy mà không quên mang theo hàng chục con cò mà chúng vừa bắn được. Sau lần đấy, tôi phải nằm viện mất mấy ngày, nhưng không yên tâm đồi cò ở nhà, tôi xin bác sĩ về sớm.
Sau lần đó, đêm nào ông cũng không yên giấc vì lo lắng bọn trộm tiếp tục quay lại săn bắn cò, đêm nào ông cũng lắng xem đàn cò có ngủ yên không. Chỉ cần nghe tiếng đàn cò xáo xác ông lại vội vàng lên đồi mặc dù đêm đông hay mưa gió.
Sau một ngày kiếm ăn vất vả, chiều tối hàng vạn con cò lại bay về nơi trú ngụ quen thuộc. |
Dù phải hy sinh cả vườn cây cho đàn cò có nơi trú ngụ và phải vất vả cả ngày lẫn đêm để bảo vệ đàn cò, nhưng tình yêu của ông Của với đàn chim trời này vẫn vẹn nguyên.
Vườn cây nứa, vầu rộng 2ha của ông Của đã quá kỳ thu hoạch. Nếu bán toàn bộ số cây này, ông Của sẽ có một số tiền lớn, mua sắm được nhiều đồ đạc và hưởng thụ cuộc sống an nhàn khi tuổi đã cao. Nhưng bao năm qua gia đình ông vẫn chấp nhận để lại vườn cây để làm nơi trú ngụ cho đàn cò sau những ngày đi kiếm ăn khắp nơi.
Nhiều người từ khắp nơi như Phú Thọ, Hà Nội tới trả tôi tiền tỷ mua lại đồi cò để làm khu du lịch sinh thái nhưng tôi cương quyết không bán. Tiền biết mấy cho đủ, cơ duyên cuộc đời cho tôi gắn bó với đàn cò, tôi mà bán quả đồi, liệu họ có chăm sóc, bảo vệ và giữ lại vườn cây cho chúng trú ngụ. Rồi chúng sẽ đi đâu về đâu và đến cuối đời tôi vẫn sẽ trăn trở, lúc nhắm mắt xuôi tay cũng thể yên lòng.
Sau nhiều năm gắn bó với đàn cò, ông Phạm Văn Của đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh và ngành kiểm lâm Thanh Hóa về thành tích bảo vệ lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ông Của vẫn còn một điều trăn trở mà chưa có hướng giải quyết, đó là vấn đề khoanh nuôi và bảo vệ đàn cò. Ông đã gửi đơn rất nhiều lần từ huyện tới tỉnh với tha thiết chính quyền có biện pháp. Càng về già, khi đã gần đất xa trời ông càng trăn trở, càng không yên lòng vì nguyện vọng của mình còn chưa được hoàn thành. Ông chỉ lo khi ông đã về với đất, đàn cò sẽ đi đâu về đâu, chúng có được một nơi yên lành để làm tổ trú ngụ sau một ngày kiếm ăn vất vả.
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường