Du lịch

Độc đáo phong tục Tết của người Thái Tày Khăng

Người Thái Tày Khăng ăn Tết với nhiều nghi thức phong phú, độc đáo. Mỗi năm, người Thái Tày Khăng tổ chức ăn nhiều cái Tết, trong đó, Tết truyền thống vào dịp Rằm tháng Bảy là cái Tết lớn nhất.

Ăn tết vào Rằm tháng Bảy

Thái Tày Khăng, là một trong 4 nhóm dân tộc Thái tập trung sinh sống chủ yếu ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhóm Thái này có nguồn gốc từ Lào nên phong tục tập quán và ăn Tết truyền thống của họ khác với các nhóm Thái khác.

Ngoài ăn Tết cổ truyền cùng 53 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, người Thái Tày Khăng ở huyện Kỳ Sơn còn ăn Tết truyền thống vào các ngày từ 14 đến hết ngày 16/7 âm lịch hàng năm (trùng với tục ăn Rằm tháng Bảy của dân tộc Kinh) và Tết Khau Búa Xà (Tết Hoa quả) vào dịp đầu tháng Tám âm lịch hàng năm. Chính những đặc điểm này đã làm cho người Thái ở Nghệ An có nền văn hóa phong phú đa dạng.

Trong những cái Tết của người Thái Tày Khăng, Tết truyền thống vào ngày rằm tháng 7 được xem là Tết lớn nhất.

Cũng như cách ăn Tết của các đồng bào dân tộc khác ở Nghệ An, người Thái Tày Khăng ăn Tết có nhiều hoạt động như cúng tế, vui chơi và ăn uống. Tuy nhiên, trên mâm cúng và các hoạt động cúng tế của người Thái Tày Khăng có “màu sắc” khác biệt so với các dòng Thái khác.

Hiện nay, nhóm người Thái Tày Khăng vẫn giữ được tục cúng thờ tổ tiên vào 3 ngày Tết truyền thống. Trên mâm cơm cúng tổ tiên không thể thiếu bánh chưng, thịt cá, thịt gà, 5 đến 6 gói moọc- sản vật gắn liền với nông nghiệp. Khi cúng phải để bánh chưng nguyên chiếc, sau khi cúng mới cắt bánh.

Người Thái Tày Khăng ăn Tết Truyền thống.


Người Thái Tày Khăng quan niệm, cúng bánh chưng nguyên chiếc thể hiện sự tôn kính, vẹn nguyên tình thương giữa người đang sống với những người đã khuất. Đặc biệt, mâm cúng của người Thái Tày Khăng còn có cây mía, hoa quả…

Theo bà Kha Thị Tồn, một người già bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, cây mía tượng trưng cho vị ngọt ngào của cuộc sống, các gói moọc thể hiện cho sự đủ đầy no ấm, bánh chưng là tinh hoa của trời đất giữa năm cũ chuyển sang năm mới. Việc dâng lên tổ tiên những lễ vật của nông nghiệp thể hiện lòng thành kính, biết ơn và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới.

Trong ngày Tết ở bản của người Thái Tày Khăng, trước mỗi cửa nhà đều treo các gói bánh chưng. Theo họ, việc này để cúng cho các cô hồn không nơi nương tựa. Xong xuôi đâu đó, mỗi gia đình mang 5 gói “họ khầu xạc” đến nhà mo làng làm lễ.

Mâm cỗ chất cao nhà mo làng để làm lễ cúng cầu an cho dân bản

Căn nhà sàn của mo làng Lô Xu Lin, bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn được trang trí, bày biện đủ các loại hình thù, tượng trưng cho một thế giới thu nhỏ. Ngồi trên chiếc ghế mây thấp ở giữa căn nhà, mo làng bản Piêng Hòm Lô Xu Lin kể chúng tôi nghe về tục lễ cúng mo vào ngày Tết truyền thống của người Thái Tày Khăng.

Vào ngày Tết, trong nhà mo làng luôn có các mâm cỗ chất cao để ông mo làm lễ cúng cầu an cho dân bản. Người chủ mo đứng trước bàn thờ cúng, khấn vái xua đuổi điềm xấu và cầu mong cho người dân bản mình một năm mới bình an, mùa màng tươi tốt. Sau khi việc cúng bái đã xong, ông mo sẽ lấy từng phần lễ trên mâm cúng chia đều cho những hộ trong bản để mọi người cùng hưởng lộc.

Ông Lô Xu Lin cho biết, bản thân ông đã làm mo bản đã được 15 năm. Chỉ khi nào ông mất đi thì người dân trong bản mới có quyền thay thầy mo khác. Việc chọn ra mo bản theo ông cũng rất khắt khe theo một quy trình nhất định chứ không phải ai muốn làm cũng được. Khi một mo làng mất đi, người dân trong bản chọn ra 3 thầy mo “cao tay” nhất. Những ông mo này phải đảm nhiệm được các công việc tâm linh từ mường bản trở lên mới được đưa vào danh sách chọn lựa.

Sau khi họp bàn thống nhất chọn ra 3 thầy mo giỏi, người Thái Tày Khăng tiến hành gieo quẻ chọn mo làng. Đây chính là bước hỏi ý kiến của các đấng thần linh tối cao. Việc gieo quẻ sẽ được làm riêng rẽ từng người một, trong 3 quẻ được gieo, thầy mo nào có số quẻ thuận nhiều nhất sẽ là người được chọn.

Ngoài Tết truyền thống, người Thái Tày Khăng ở Nghệ An còn có một cái Tết khác không kém phần linh thiêng và trang trọng, đó là Tết Khâu Búa Xà (Tết Hoa quả).

Tết Khâu Búa Xà mang ý nghĩa dâng hoa quả, các sản phẩm nông nghiệp cho thần sông, thần núi, ma bản, ma mường, ông bà tổ tiên. Tết Hoa quả của người Thái được hình thành từ những năm 1400 trở về trước, từ thời Vương Quốc Bồn Mang ở dải đất miền Tây kéo dài từ Nghệ An ra tỉnh Điện Biên. Tết Khâu Búa Xà rất linh thiêng với cộng đồng người Thái, nó diễn ra từ 29/7 âm lịch và kéo dài đến 7 ngày. Hiện nay, Tết Hoa quả chỉ diễn ra từ 1 đến 2 ngày.

Các nghi thức trong ngày Tết này cũng đã được giản lược đi nhiều so với ngày xưa. Người dân cúng lễ Tết Hoa quả tại từng gia đình của mình, ngoài ra, cả bản sẽ có một mâm lễ chung được cúng tại đền thờ của bản. Trên mâm lễ ấy ngoài các loại hoa quả còn có cả thịt của con gà, con lợn…

Ngày nay, dưới sự tác động của nhiều luồng văn hóa mới vào cộng đồng, một số phong tục tập quán cũ của người Thái Tày Khăng đã dần phai nhạt theo năm tháng, tuy nhiên người dân vẫn luôn ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Chính những nét riêng biệt trong văn hóa đã phân người Thái Nghệ An Thái 4 nhóm địa phương như hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu về văn hóa người Thái - ông Sầm Văn Bình: "Mo mường được lựa chọn từ hình thức gieo quẻ phải là người đã nhiều năm hành nghề mo chứ không phải là một người bình thường. Hơn nữa, họ phải là người giỏi hơn các thầy mo khác rất nhiều". Như vậy có thể thấy được rằng, nếu người Mông muốn trở thành thầy mo chỉ cần một chữ "duyên" thì việc người Thái chọn mo bản lại rất khắt khe.


Tác giả: Hồ Phương

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok