Trong tỉnh

Độc đáo phong tục đón Tết của người Thái ở xứ Thanh

Cũng giống như quan niệm của đa phần các dân tộc khác ở Việt Nam, đối với người dân tộc Thái, Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, người Thái có những phong tục tập quán đón Tết mang màu sắc độc đáo và rất riêng.

Đón Tết bằng bánh chưng đen

Ở Thanh Hóa, người Thái sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi như Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát. Người Thái được chia thành 2 hệ: Thái trắng và Thái đen. Họ khác biệt nhau về giọng nói, trang phục của nữ và một số phong tục, tập quán.

Những ngày giáp Tết, không khí ở các bản làng người Thái ở miền núi xứ Thanh lại rộn ràng, hối hả. Mọi công việc đồng áng, nương rẫy được gác lại để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Từ ngày 25 Tết, bà con bắt đầu đi chợ để sắm đồ Tết.

51479882_550769368763355_8758844252613509120_n.jpg

Để làm được bánh chưng đen, người Thái phải trộn gạo nếp với tro cây vừng làm sao cho hạt gạo trở thành màu đen óng ánh.

Đây là dịp hiếm hoi để những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ làm bạn với ruộng nương được đi ra phố. Nhà có điều kiện thì đi xe máy còn nhà nào không có thì đi bộ. Họ mang gùi trên lưng để đựng hàng hóa mang về. Những món đồ ấy đủ thứ, từ thức ăn, mắm muối cho đến quần áo mới cho trẻ con.

Phụ nữ người Thái vô cùng khéo léo, họ làm nhiều thứ bánh độc đáo mà chỉ dành riêng cho dịp Tết.

51357621_1219591428210160_8928836768971620352_n.jpg

Sau đó thì dùng thịt và đậu làm nhân.

Đặc biệt, Tết của người Thái không thể thiếu bánh chưng đen. Gạo nếp được trộn đều với tro cây vừng làm sao cho từng hạt gạo trở thành một màu đen óng ánh. Bánh chưng của người Thái trắng được gói thành hình vuông, nhỏ bằng nắm tay, nhân bánh được làm từ đậu xanh và thịt ba chỉ.

Mỗi gia đình thường gói vài chục cái bánh chưng, không những để cúng gia tiên mà còn làm quà biếu tặng cho người thân và khách quý. Trong quan niệm của họ, nếu ai đó bóc trúng chiếc bánh chưng đen đầu tiên thì người đó sẽ được may mắn cả năm.

51308494_412454322828586_8407599396195139584_n.jpg

Quan niệm của người Thái nếu ai bóc được chiếc bánh chưng đen đầu tiên sẽ may mắn cả năm.

Đối với các gia đình nuôi gia súc, vào sáng mùng 1 Tết, họ thường mang đôi bánh chưng đen treo vào sừng con trâu với quan niệm tỏ lòng biết ơn con vật đã đồng hành và vất vả cùng việc nông của gia đình.

Những phong tục độc đáo trong ngày Tết

Từ sáng sớm mùng 1 Tết, người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ làm lễ cúng gọi tổ tiên về ăn Tết. Bài cúng thường rất dài, với nội dung kể về tình hình làm ăn sinh sống của gia đình, dòng họ trong năm qua, bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và mời linh hồn tổ tiên về ăn bữa cơm sum họp. Đồng thời, xin được phù hộ sức khỏe và mùa màng cho gia đình trong năm mới.

Trong quan niệm của người Thái trắng ở Thanh Hóa, người đầu tiên xông nhà vào ngày mùng 1 Tết chính là người quyết định sự may rủi, vận mệnh của gia chủ trong năm. Chính vì vậy, họ rất e dè và kiêng lên nhà người khác vào ngày mùng 1. Trẻ con cũng được dặn dò cẩn thận không được đến nhà ai chơi nếu nhà đó chưa có người xông nhà.

51068885_1607036309429005_8062704039038550016_n.jpg

Món cá nướng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Thái ở xứ Thanh.

Con gái Thái đã đi lấy chồng dịp Tết phải mang cỗ xôi, gà luộc đến cúng tổ tiên vào ngày mùng 2 Tết để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ và tổ tiên.

Đến với đồng bào những ngày giáp Tết, dễ dàng bắt gặp cảnh các gia đình tháo ao để bắt cá và mổ lợn, mổ trâu.

Sau khi cá được bắt lên, họ sẽ mổ sạch rồi đốt những bếp than thật lớn để nướng cá. Người Thái chuộng cá nướng, và đây cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm đãi khách vào ngày Tết. Gia đình nào có nhiều cá nướng và nhiều thịt lợn, thịt trâu để gác bếp ấy là nhà ăn tết to.

Mâm cúng là linh hồn trong ngày Tết của người Thái. Những món quan trọng không thể thiếu trong mâm cúng là gà luộc, thịt lợn luộc, cá nướng và các loại bánh như bánh chưng, bánh rán, bánh mật…

Nhảy sạp, ném còn, đánh cồng chiêng và hát khặp là các trò chơi truyền thống mang linh hồn của người Thái. Xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là nơi còn lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa của người Thái.

Từ trước Tết, thanh niên các bản đã vào rừng chặt cây mắc khẻn để làm sạp. Chỉ có cây sạp từ loại cây này mới có cho tiếng sạp được âm thanh vang xa khắp bản làng. Từ sáng mùng 1 Tết, sau bữa cơm gia đình, nam thanh nữ tú đã tự tập trung lại cùng nhau vui chơi.

Tiếng sạp, tiếng chiêng trống kêu vang rộn ràng như mời gọi, khiến những tâm hồn dù già hay trẻ đều trở nên náo nức và hối hả. Từ những buổi chơi xuân với tiếng sạp, với quả còn hay tiếng khặp Thái à ơi, da diết này mà nhiều đôi trai gái đã phải lòng, nên duyên vợ chồng.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok