Du lịch

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển Xứ Thanh

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triền làng Diêm Phố, nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cũng là chừng ấy năm người dân nơi đây ra khơi, bám biển để mưu sinh. Với quan niệm cá voi là "chúa tể" của biển cả, người dân xã Ngư Lộc đã lập đền thờ ngư Ông để tỏ lòng thành kính, song song đó là lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng. Trải qua nhiều năm, lễ cầu ngư đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong lòng người dân Ngư Lộc.

Sự tích cá voi và đền thờ Ngư Ông

Ngư Lộc là một xã đông dân ven biển, từ xa xưa người dân nơi đây đã bám biển đánh bắt thủy hải sản. Đối với bà con nơi đây, cá voi chính là loài cá linh thiêng, là vị thần của biển cả, tượng trưng cho sức mạnh to lớn che chở mọi ngư dân thoát khỏi những con sóng dữ, vượt qua bão tố để rồi khi cập bến mọi con tàu đều đầy ắp tôm cá.

Đền thờ Ngư Ông

Về Ngư Lộc không khó để tìm Cụm Di tích nghè Diêm Phố, nơi đền Ngư Ông được lập nên. Cá Ông là câu chuyện về những con cá voi mà người dân vẫn hay gặp khi họ hành nghề đánh cá trên biển, các cụ cao niên trong xã kể lại rằng: ngư dân đi đánh cá không may gặp nạn trên biển đã được cá voi cứu sống và đưa vào bờ, từ đó tên gọi tôn kính Cá Ông được hình thành và truyền tai nhau đến tận bây giờ.

Theo cuốn dư địa chí Diêm Phố-Ngư Lộc Đền Đức Ông là ngôi đền thờ thần cá Ông (cá ông voi). Đền được xây dựng năm 1946. Tại đền thờ này còn lưu giữ hai sắc phong của triều đình nhà Nguyễn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Khải Định thứ 9 (1924).

Cụ Nguyễn Văn Minh, nay đã ngoài 80 tuổi người đã có hơn 20 năm coi đền Ngư Ông kể lại: Vào thế kỷ thứ 14 người dân làng Diêm Phố phát hiện xác Cá Ông khổng lồ dạt vào bờ, lúc đó dân làng đã phải huy động toàn bộ lực lượng dùng hơn 300 đôi chiếu đắp lên mình Cá Ông. Từ đó người dân nơi đây đã lập nên đền thời Ngư Ông để gửi gắm niềm tin, cầu sự bảo vệ của cá ông cho những người ra biển. Đó cũng chính là cuội nguồn mà hằng năm người dân Ngư Lộc tổ chức lễ cầu Ngư.

Ngư dân đang rước Long Châu (hay gọi là thuyền rồng)

Đền thờ Ngư Ông thể hiện cho lòng tin bất định của người dân ven biển Ngư Lộc, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt họ đều đến thắp hương ở đền, cầu khấn Ngư Ông phù hộ họ đi thuyền gặp nhiều may mắn, bội thu, thuận buồm xuôi gió và bình an trở về.

Độc đáo của lễ hội Cầu Ngư

Về với người dân Ngư Lộc thời điểm này ta dễ dàng nhận thấy không khí chuẩn bị cho lễ hội nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Do lễ hội Cầu Ngư là nét đẹp văn hóa linh thiêng, thể hiện sự đồng lòng của toàn thể người dân, vì thế người dân Ngư Lộc đã dành hơn 1 tháng để chuẩn bị, các quy ước trong lễ hội được quy định chặt chẽ, khoa học, hợp với lòng dân trong xã.

Lễ rước Kiệu

Nghệ nhân Phạm Văn Hùng chia sẻ: Trong công tác chuẩn bị thì việc làm Long Châu (hay gọi là thuyền rồng) là quan trọng nhất, để làm Long Châu cần chọn ra 10 người khỏe mạnh, khéo tay, tỉ mỉ, đặc biệt là trong dòng họ không có tang. Long Châu được làm từ nứa, tre, xốp, giấy, phẩm màu...từ đó mô phỏng lên một chiếc thuyền rồng uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh của biển cả.

Trong lễ hội Long Châu được người dân gửi gắm các lễ vật, được xem như ước nguyện của người dân để cầu cho cuộc sống ấm no, mọi chuyến ra khơi được bình yên trở về.

Ngoài việc làm thuyền Long Châu thì đội lễ rất quan trọng, đứng đầu là chủ tế, dưới chủ tế là 8 người trợ tế. Những người này phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe như dáng người phải to lớn, khỏe mạnh, am hiểu thủ tục lễ và lịch sử quê hương. Trước khi lễ 9 người này phải tập duyệt hàng tuần để đảm bảo yêu cầu cho buổi lễ được diễn ra suôn sẻ, các thành viên được ăn khớp với nhau, để từ đó phân bổ vị trí hợp lý.

Lễ rước cờ

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ cầu mát) là một lễ hội truyền thống lâu đời được tổ chức vào ngày 21/2-24/2 Âm lịch. Lễ hội có sức ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Ngư Lộc mà còn lan tỏa sang các huyện lân cận như Nga Sơn, Hoằng Hóa...

Bắt đầu là Lễ rước thuyền Long Châu được tổ chức tại sân văn Hóa xã Ngư Lộc, đây là một lễ vật quan trọng nhất trong Lễ hội cầu ngư được bà con tổ chức trang nghiêm, thành kính, bày tỏ tình đoàn kết giữa các dòng họ với nhau, mong thần linh chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển khơi. 81 dòng họ cùng với hơn 450 chủ tàu trong xã đến trước thuyền Long Châu cầu khấn mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc…

Tiếp theo là phần hội bao gồm các hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa vùng biển như câu mực, hát đối, thi cờ tướng, thi văn nghệ...thu hút đông đảo người dân tham gia, thể hiện cho tinh thần lạc quan, yêu đời, sự đoàn kết của người dân trong xã, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt đầy khoang.

Sau đó chiều ngày 24/2 Âm lịch, Long Châu được hàng nghìn người dân rước ra cửa biển để "hóa vàng" cùng với các lễ vật của nhân dân trong xã, với ý nghĩa gửi gắm các ước nguyện ra biển.

Nói về ý nghĩa của lễ hội Cầu Ngư, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Lễ hội Cầu Ngư có nguồn gốc từ lâu đời, đây là dịp để người dân trong xã Ngư Lộc gửi gắm văn hóa tâm linh, cầu sức khỏe, mưa thuận gió hòa, trời yên, bể lặng, hải sản đầy khoang...thể hiện nét đẹp của người dân vùng biển. Vừa qua lễ hội Cầu Ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, sự ghi nhận để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Tác giả: Tuyết Trang- Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok