“Chúng tôi không hiểu vì sao đến thời điểm hiện nay những kiến nghị của Công ty TNHH Bình Minh (Công ty Bình Minh) không được tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết thấu đáo. Nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn vẫn ngang nhiên được đầu tư xây dựng, mặc dù dự án chưa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư” – ông Tào Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty Bình Minh cho biết.
Theo ông Tuấn, nhà máy nước Hồ Quế Sơn đến thời điểm cuối tháng 08/2017 đã xây dựng xong và đấu nối đường ống cấp nước vào nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ngày 22/5/2017, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ký hợp đồng cung cấp nước với liên danh Công ty Anh Phát – Sông Chu bất chấp thực tế hợp đồng cung cấp nước của Công ty Bình Minh đang có hiệu lực.
Từ ngày 22/8/2017 đến nay, Nhà máy nước của Công ty Bình Minh đã bị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng cung cấp nước cho nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn mà không có lý do để chuyển sang sử dụng nước của nhà máy nước Hồ Quế Sơn của liên danh Công ty Anh Phát - Sông Chu làm cho nhà máy nước của Công ty Bình Minh bị đình trệ sản xuất, người lao động không có việc làm, thất thu mỗi tháng trên 10 tỷ đồng. Hiện Công ty đang trong tình trạng chuẩn bị phá sản do không có nguồn trả vốn, lãi cho Ngân hàng.
Nhà máy nước sạch của Công ty Bình Minh xây dựng lên không biết cung cấp nước cho ai, khi bị Lọc hóa dầu Nghi Sơn tự ý phá hợp đồng |
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2003 đến nay, Công ty TNHH Bình Minh đã về tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu đầu tư một số dự án như: Dự án hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc Ga (theo hình thức đổi đất lấy công trình); Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi thành phố Thanh Hóa; Nhà máy cấu kiện bê tông; Nhà máy nước Nghi Sơn; Nhà máy Chíp điện tử Thạch Anh; Dự án sản xuất thử nghiệm chất phụ gia để pha chế xăng sinh học …để góp phần xây dựng Tỉnh Thanh Hóa phát triển.
Riêng nhà máy nước Nghi Sơn, tại thời điểm năm 2007, Khu kinh tế Nghi Sơn rất cần nước cho sự phát triển nhưng không có bất kỳ doanh nghiệp nào dám đầu tư vì gặp nhiều khó khăn chưa có thị trường tiêu thụ. Vì tâm huyết với quê hương Thanh Hóa, Công ty Bình Minh đã mạnh dạn đầu tư một nhà máy nước tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Nhà máy nước Bình Minh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại thông báo số 3982/TB-UBND ngày 22/09/2006 và được Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 17/05/2007. Nhà máy có quy mô 90.000m3/ngày đêm được chia làm 2 giai đoạn. Giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1: 30.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2: 60.000m3/ngày đêm. Năm 2010, giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động phục vụ kịp thời cho sự phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn trong đó có các dự án trọng điểm như Lọc hóa dầu, Trung tâm nhiệt điện, Cảng biển, Thép…
Để có đủ nước phục vụ cho nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động trong giai đoạn chạy thử công nghệ và sản xuất thương mại, từ đầu năm 2016, Công ty Bình Minh đã đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy. Đến nay đã hoàn thành nâng công suất cung cấp nước của nhà máy lên trên 90.000m3/ngày đêm. Theo quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt tại quyết định 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 thì Nhà máy nước của Công ty Bình Minh đảm bảo cung cấp nước cho khu vực Đông Nam Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025.
Ngày 28/02/2013, Công ty Bình Minh đã ký hợp đồng cung cấp nước với Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) và từ cuối năm 2013 đến nay Công ty Bình Minh đã thực hiện cung cấp nước cho nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn xây dựng và chạy thử thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên, ngày 10/6/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn cho liên danh Công ty Anh Phát – Công ty Sông Chu làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, tạo ra khủng hoảng thừa và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu tư nước sạch, làm cho nhà máy nước của Công ty Bình Minh gặp rất nhiều khó khăn.
Trước sự việc trên, từ tháng 06/2016 đến nay Công ty Bình Minh đã nhiều lần kiến nghị đến UBND tỉnh về việc hủy bỏ quyết định đầu tư Nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn, nhưng chưa được xem xét giải quyết ngược lại còn tạo mọi điều kiện để liên danh Công ty Anh Phát – Sông Chu đầu tư xây dựng cấp tốc nhà máy nước Hồ Quế Sơn.
Trước đề nghị của Công ty Bình Minh, dư luận đề nghị các cơ quan ban, ngành UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường thanh kiểm tra, xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp để đảm bảo môi trường đầu tư công bằng.
Tác giả: Trung Hiếu
Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật