Tham dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều thay đổi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm đạt trên 9%, năm 2018 đạt 13,1%. Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh. Trong đó 07 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5%; Thu nhập bình quân đầu người tăng 13,1 triệu đồng so với giai đoạn 2001-2005. Đến nay có 01/07 huyện thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ…
Tuy nhiên vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều khó khăn nhất cả tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ cận nghèo, hộ nghèo còn cao; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ buôn bán, vận chuyển, nghiện hút ma túy, di cư tự do còn phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, sát biên giới, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống vì vậy lãnh đạo tỉnh cần quan tâm tới công tác định canh định cư, bố trí đất sản xuất cho người dân ở miền núi. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần lưu ý việc khắc phục ô nhiễm môi trường trong việc khai thác khoáng sản cũng như giám sát môi trường ở 21 cụm công nghiệp miền núi, tác động của thủy điện tới sinh kế của người dân đồng bào dân tộc thiểu số...
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hoá cho biết: Việc di canh di cư ở đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định, có 21.000 hộ thiếu đất sản xuất tỉnh cũng đang chỉ đạo rà soát, bố trí đất cho các hộ dân lấy đất sản xuất. Việc cấp phép mới khai thác khoáng sản ở các huyện miền núi rất hạn chế, chỉ có một số mỏ được cấp phép khai thác sông Mã trước đó. Trên sông Mã hiện có 6 thủy điện, chủ trương không cấp thêm đồng thời phối hợp với các ngành các đơn vị tạo mọi điều kiện bố trí sinh kế cho người dân sau tái định cư. 21 cụm công nghiệp ở miền núi chủ yếu là sản xuất đũa, vàng mã và gia công may mặc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá đã kiểm tra, giám sát định kỳ công tác bảo vệ môi trường.
Trong buổi làm việc, Đoàn công tác cũng chỉ ra những ưu điểm và tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của tỉnh Thanh Hóa.
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường