Trong tỉnh

Điểm tựa vùng biên

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính quân hàm xanh Đồn BP Hiền Kiệt, BĐBP Thanh Hóa ngày đêm bám địa bàn cùng bà con bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Họ đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho người dân nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hiền Kiệt tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: Linh Nga

Sau gần 5 tiếng đồng hồ, chiếc xe khách cũng đưa tôi lên tới xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Bản Chiềng Hin “đón” tôi bằng không gian bao la, hùng vĩ của núi rừng với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những ngôi nhà sàn kiên cố. Đi tiếp chừng nửa km là trung tâm xã Hiền Kiệt nhộn nhịp chẳng khác gì một xã miền xuôi.

Hiền Kiệt là nơi sinh sống của 902 hộ/4.040 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 96% dân số, còn lại là đồng bào người Kinh lên làm ăn sinh sống. Trung tá Đàm Hữu Tứ, Phó đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn BP Hiền Kiệt cho biết: “Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 4,2km đường biên giới với 3 mốc giới. Hiền Kiệt là xã biên giới thuộc huyện Quan Hóa, giáp bản Hin Đăm, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Đời sống nhân dân trên địa bàn còn nghèo, trong đó có những bản đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện. Có nhiều đường mòn qua biên giới, nên Hiền Kiệt còn là địa bàn các đối tượng phạm tội chọn để trung chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với các loại tội phạm, đồng thời giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Trong những năm qua, Đồn BP Hiền Kiệt luôn là điểm tựa vững chắc cho người dân biên giới. Cán bộ, chiến sĩ đồn luôn khắc phục khó khăn, bám bản, bám dân, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, giúp dân phát triển kinh tế, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Đơn vị còn đóng góp ngày công giúp nhân dân làm nhà cửa, tu sửa đường giao thông nông thôn, trồng và bảo vệ rừng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hiền Kiệt đã cùng với nhân dân đấu tranh triệt phá nhiều vụ án ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới. Những năm gần đây, diện mạo ở xã vùng biên này đã có những đổi thay tích cực.

Cách xa trung tâm xã Hiền Kiệt chừng 10km, con đường vào bản Ho thật gian nan vất vả. Chiếc xe máy luôn phải cài số 1, ì ạch vượt qua những con dốc đất, đá lởm chởm, đưa tôi cùng Đại úy Đoàn Ngọc Hùng, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn BP Hiền Kiệt vào bản Ho. Mặt trời đã lên trên đỉnh núi. Đại úy Đoàn Ngọc Hùng nói với tôi: “Trước đây, cuộc sống của người dân bản Ho khổ cực lắm. Chuyện đói ăn thường trực ở mỗi nhà bà con dân tộc Thái nơi đây. Nhưng mấy năm nay, cây lúa nước, cây luồng đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trong bản”.

Cánh đồng lúa nước gần 10 ha xanh mơn mởn nằm dọc con suối Khiết, những rừng luồng bạt ngàn xanh ngắt, những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau là minh chứng cho cuộc sống ấm no đang hiện hữu ở bản Ho. Chúng tôi vào thăm Trạm kiểm soát Biên phòng nằm ở cuối bản. Thiếu tá Phạm Sỹ Hậu hồ hởi: “Lâu lắm rồi bản Ho mới được đón khách từ xa tới thăm. Hẳn con đường vào bản gian nan quá nên làm chùn bước chân của khách”.

Chúng tôi cùng Thiếu tá Phạm Sỹ Hậu đi thăm người dân bản Ho, được nghe câu chuyện về một bản Ho no ấm hôm nay. Nhiều năm trước, bản Ho còn chẳng có đường mà đi. Người dân muốn ra trung tâm xã bán con gà, mua gói muối hay người ngoài muốn vào bản phải men theo suối Khiết, đi bộ nửa ngày mới đến nơi. Cây ngô, hạt lúa gieo trên nương rồi phó mặc cho ông trời nên nhà ai cũng đói. Thế rồi người dân cứ đốt nương rẫy, chặt phá rừng một cách vô tội vạ, đến nỗi những con thú rừng cũng chẳng còn chỗ mà trú ngụ nữa. Từ khi có BĐBP vào bản tuyên truyền, vận động, người dân bản Ho mới biết khai hoang trồng cây lúa nước, trồng cây luồng trên những ngọn đồi, cùng với biên phòng bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.

Trưởng bản Vi Văn Yên đón chúng tôi trong ngôi nhà của mình. Bên ấm chè tán ma, người trưởng bản không giấu được niềm vui về một bản Ho no ấm hôm nay. “Mặc dù, cuộc sống của 91 hộ dân trong bản vẫn còn khó khăn nhưng chắc chắn không còn cái đói nữa. Trẻ con được đến trường học chữ với những cô giáo miền xuôi. Người dân bản Ho được dùng điện lưới quốc gia Nhà nào cũng có xe máy đi lại. Cả bản có 260 con trâu, bò, hàng trăm con gia cầm các loại” – Trưởng bản Vi Văn Yên chia sẻ.

Khi mặt trời lặn sau những dãy núi cao, chúng tôi chia tay bản Ho, chia tay những người lính quân hàm xanh với niềm tin về một bản vùng biên đang từng ngày khởi sắc. Ở đó có những người lính quân hàm xanh luôn thấu hiểu, sẻ chia với những vất vả, nhọc nhằn, hàng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và cùng bà con bảo vệ bình yên nơi biên cương.

Tác giả: Linh Nga

Nguồn tin: Báo Biên phòng

  Từ khóa: biên phòng , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok