Trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ hè của các em học sinh điểm bản biên giới Kẻo Nam, trường tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, sự hồn nhiên và tập trung đọc bài của các em dường như làm xóa đi những thiếu thốn đang hiện hữu... Đến trường bằng chân đất và với những bộ áo quần cũ rách là hình ảnh không còn xa lạ với các em học sinh ở đây. Khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều em vẫn muốn được đến trường để học lấy con chữ.
Học sinh bản Kẻo Nam đến trường...
Vẫn còn những đôi chân trần...
Em Lương văn Dung – HS lớp 5 nói: Nhà em có 5 anh em, có 2 người đi học ở đây. Em muốn đến trường để đi học và đi chơi với các bạn. Em sẽ cố gắng học để sau này em được làm thầy giáo.
Lớp học tạm bợ
Bản Kẻo Nam có 56 hộ dân nhưng do cách xa Trung tâm xã Bắc Lý hơn 30km đường rừng núi hiểm trở, các em học sinh tiểu học không thể đi lại nên các giáo viên phải vào cắm bản và dạy ghép lớp. Cả 5 lớp học có 37 học sinh đều là dân tộc Khơ Mú, bố mẹ các em chủ yếu là vào rừng, lên rẫy không ở nhà thường xuyên, vì vậy mà các thầy cô giáo phải đi từng nhà gọi và nhắc nhở để các em đến trường đầy đủ.
Thiếu cả cái ăn...
Thầy giáo Moong Văn Thông – Giáo viên điểm bản Kẻo Nam, trường Tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cho hay: Cuộc sống của các em ở đây khó khăn lắm, bố mẹ thì lên rẫy, các em không đủ ăn, thầy cô nhiều lúc phải chia phần cơm cho các em.
Điểm trường lẻ bản Kẻo Nam
Không điện, không chợ, không sóng điện thoại... Khó có thể diễn tả sự vất vả của các thầy cô giáo trên chặng đường đưa con chữ đến với các em bản Kẻo Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, các em đến lớp trong tình thương và sự đùm bọc, dìu dắt của các thầy cô để ngày mai sẽ trở nên đỡ vất vả hơn và tươi đẹp hơn ngày hôm nay...
Tác giả bài viết: Thùy Linh – Trường Ca