Du lịch

Điểm danh những món ngon nức tiếng ở quê hương các ‘cực phẩm’ Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường

Kết thúc giải U23 Châu Á, thủ thành Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường và Quang Hải là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Hẳn rằng, dịp Tết Nguyên đán cận kề sẽ rất nhiều du khách có ý định đến thăm quê hương của các anh chàng này. Nếu chưa biết phải thưởng thức gì, hãy xem list danh sách này nhé!

Quê hương Quang Hải

Quang Hải sinh ra và lớn lên ở Đông Anh, Hà Nội. Đây là nơi có nhiều điểm tham quan thú vị và những món ngon dành cho du khách thưởng thức.

Tương Việt Hùng

Làng Dục Nội xã Việt Hùng có nghề làm tương nổi tiếng qua nhiều đời. Múc tương từ chĩnh ra bát sóng sánh, đỏ sẫm, gạo nếp và đỗ quỵện lấy nhau, nhìn thấy đã thèm, ăn vào thì ai nấy đều phải ngợi khen “ngọt như chè”.

Ai đã một lần ăn tương Dục Nội thì hẳn sẽ nhớ mãi.

Đậu phụ Làng Chài

Khi ăn đậu phụ ở đây, người ta luôn cảm nhận được vị ngầy ngậy, béo béo của đậu tương và đặc biệt là không có vị quá chát của nhiều thạch cao. Đậu phụ nơi đây có hai loại sản phẩm truyền thống, đó là: đậu trắng và đậu nướng! Với đậu trắng thì giá rẻ hơn chút ít so với đậu nướng, tuy vậy, chất lượng đậu nướng có vẻ thơm ngon hơn.

Bún Mạch Tràng

Không trắng như bún của nơi khác, nhưng bún Mạch Tràng vẫn được nhớ tới bởi hương vị thơm ngon, dai giòn, thanh mát. Đây không chỉ là món ăn dân dã của người dân Cổ Loa mà còn được người dân xứ khác rất mực yêu thích.

Phở cuốn

Bí quyết của món ngon này nằm ở khâu ướp thịt và pha nước chấm. Khi ướp, thịt bò phải thái mỏng và để to, càng dài thì càng dễ cuốn. Sau đó, trộn đều với bột ngọt, tiêu và tỏi băm, ướp chừng 10 - 20 phút. Trong khi chờ thịt bò ngấm dần với gia vị thì xào cà rốt, hành tây và giá.

Món ăn cũng chẳng có gì là khó làm nhưng lại thu hút thực khách bởi sự lạ miệng, hương vị và phong cách đặc biệt của riêng nó.

Phở cuốn thường chấm với nước mắm giấm ớt chua ngọt kèm vài lát đu đủ xanh. Vị ngọt bùi của thịt bò xào và phở cộng chút mằn mặn của nước chấm càng thăng hoa hơn với mùi thơm của thịt bò lăn và mùi thơm nhè nhẹ và thanh mát của các loại rau.

Bún chả

Đây là món ăn đặc trưng của người Hà Nội với hương vị thơm ngon đặc biệt, đây chắc chắn là món ăn không thể thiếu được cũng những người yêu thích ẩm thực Hà Nội. Bún chả có thịt, gồm có thịt ba chỉ (ba rọi), thịt băm, tất cả được tẩm ướp đúng điệu và nướng vàng trên than củi đỏ rực.

Nước chấm để ăn bún chả được pha khéo léo, kết hợp tinh tế giữa nước mắm, giấm, đường, chanh, tỏi, ớt, cho thêm ít đu đủ xanh được bóp giấm giòn sần sật, nhiều nơi bán bún chả còn cho nước cốt của trái sấu hoặc trái me để tăng thêm độ thơm cho bát nước chấm.

Quê hương của Đội trưởng Lương Xuân Trường

Tết này nếu đến thăm mảnh quê “Trường híp”, hãy cùng thử ngay những đặc sản say đắm lòng người này nhé!

Gỏi cá bỗng sông Lô

Cá bỗng là loại cá rất đặc biệt, muốn làm gỏi ngon thì người ta phải lựa chọn những con cá được nuôi từ 1,5 - 2 năm cho tới khi cân nặng đạt 2,5 - 3kg. Bởi thịt cá lúc này chắc, làm gỏi mới giòn, thơm ngon. Đặc biệt hơn nữa, món nước chấm ăn kèm được dùng chính xương cá băm nhỏ, rang vàng, cán mịn rồi trộn với lạc rang giã rối, thêm một ít nước sốt đặc sánh, sau đó ăn kèm cá thái mỏng cùng với nhiều gia vị, rau thơm.

Món gỏi cá bỗng lạ miệng nhưng vô cùng độc đáo của Tuyên Quang.

Thịt lợn đen

Món thịt lợn đen ở Tuyên Quang, người dân chăn thả lợn đen ngoài tự nhiên chứ không nuôi nhốt, nên thịt ăn rất thơm, chắc, lớp da giòn… Từ loại thịt này, người Na Hang (Tuyên Quang) đã chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như: thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn…

Bánh nếp nhân trứng kiến

Bánh nếp nhân trứng kiến không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá vả để gói. Gạo nếp sau khi ngâm được xay mịn, đăng khô, rồi được nhồi mịn, chia thành các phần đều nhau. Trứng kiến được cho vào giữa bánh làm nhân, vo tròn lại không bị chảy ra ngoài. Lá vả bỏ phần cuống và gân lá, gói bên ngoài. Xếp bánh vào khay hấp, khoảng 30 - 45 phút là bánh chín.

Bánh nếp tên trứng kiến - cái tên nghe rất lạ tai, nhưng khi thưởng thức sẽ khiến bạn phải nhớ mãi hương vị.

Ăn món bánh này phải ăn từng miếng nhỏ, có như vậy thì mới cảm nhận hết mùi vị thơm ngon của nếp, vị béo ngậy của nhân trứng kiến hoà quyện với hành và thì là.

Măng khô

Là một tỉnh miền núi nên măng cũng là thứ không thể thiếu ở Tuyên Quang. Từ các loại măng, người dân đã làm thành rất nhiều món ăn ngon như măng xào, măng cuốn, măng nhồi thịt, măng đắng luộc chấm mẻ… Và đương nhiên, không thể thiếu măng khô cho du khách mua về làm quà.

Bánh gai Chiêm Hóa

Để có được những chiếc bánh thơm ngon, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và tinh tế. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh.

Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém, mỡ lợn được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Bánh sau khi đã gói hoàn chỉnh, được xếp vào nồi hấp cách thủy.

Để có được những chiếc bánh thơm ngon, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và tinh tế.

Quê hương thủ môn Tiến Dũng - vùng đất nổi tiếng với nhiều món ngon độc đáo.

Từ những sản vật quê hương, dưới bàn tay khéo léo, người dân Thanh Hóa đã sáng tạo nên những đặc sản thơm ngon, nổi tiếng.

Nem chua

Món ngon đầu tiên phải kể đến ở quê hương xứ Thanh là nem chua. Nem chua xuất hiện khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, nem ở Thanh Hóa được xem là thơm ngon nhất vì có độ chua, giòn vừa phải.

Được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt cho lên men đến chín, khi ăn có vị chua dịu đậm đà, từ chiếc nem chua cổ truyền, người dân Thanh Hóa sáng tạo ra rất nhiều loại và cách chế biến, thưởng thức khác nhau.

Thay vì kết hợp với lá ổi thì cách gói nem cùng lá đinh lăng, cho nhiều tiêu, ớt, tỏi của người dân Thanh Hóa đem đến vị thơm ngon khó cưỡng. Không cần bàn cãi thêm vì món này đã quá nổi tiếng rồi. Du khách thập phương mỗi lần đến đây, đều không quên mua một ít nem về làm quà. Bạn có thể tìm đến nhà nem Gốc Đa, Cương Dũng, Vũ Linh, nem bà Thường, bà Năm hay trên vỉa hè các phố Đinh Lễ, Tô Vĩnh Diện, Ngọc Trạo… để thưởng thức.

Chả tôm

Người Thanh Hóa sáng tạo và chế biến món ăn này khá cầu kỳ: Tôm băm hoặc xay nhuyễn, cho vào ít bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Khi chín tỏa ra mùi thơm quyến rũ, ăn vào thấy mềm ngọt đậm đà.

Khi ăn chấm cùng mắm chua ngọt, và rau sống thanh mát, chả tôm trở thành món ăn chơi được yêu thích với hương vị bùi ngọt khó quên.

Gỏi cá nhệch

Gỏi cá nhệch từ lâu đã trở thành niềm tự hào, món ngon đãi khách của người dân Nga Sơn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung. Bên mâm cơm quây quần, cùng với chai rượu nếp, vừa trò chuyện, vừa nhâm nhi những ly rượu ấm, cay nồng, thực khách sẽ có trải nghiệm khó quên với món ăn đặc trưng này.

Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Đặc biệt, ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.

Hải sản biển

Du lịch đến các biển ở tỉnh Thanh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Tinh Gia… ngoài việc tắm và ăn các món ngon mang đậm phong vị biển, bạn còn có thể tranh thủ mua hải sản tươi sống về làm quà. Ngư dân ở các huyện ven biển thường đi đánh bắt gần bờ, ra khơi và trở về vào một buổi nhất định trong ngày, bạn có thể hỏi để mua và đóng thùng đá vận chuyển về nhà để ăn dần.

Bạn có thể mua tôm, cá, cua, ghẹ, mực… và các đồ hải sản biển còn tươi rói ngay khi thuyền của ngư dân cập bến và mang vào các nhà hàng gần đó thuê họ chế biến để tận hưởng trọn vẹn hương vị của biển khơi.

Tác giả: Yến Nguyễn

Nguồn tin: saostar.vn

  Từ khóa: những món ngon , Điểm danh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok