Tóp mỡ
Tóp mỡ chính là mỡ lợn được rang lên đến khi khô kiệt. Thời bao cấp, nhà nào có chút tóp mỡ trên mâm cơm thì đã là rất quý và sang. Món ăn này thường được rim với mắm, sốt cà chua ăn dần hoặc xào cùng dưa chua.
Tóp mỡ vừa có độ giòn, vừa béo ngậy, thơm ngon và đặc biệt dễ bảo quản. Tóp mỡ đem chưng với mắm tép hoặc mắm tôm rất dậy mùi và tốn cơm.
Thời gian gần đây, người Hà Nội đang “rộ” lên tìm mua tóp mỡ dù loại thực phẩm này có giá đắt gấp 4, gấp 5 lần so với thịt lợn. Tóp mỡ ngâm nước mắm đã trở thành món ăn kèm hoặc dùng để chấm rau luộc trong những mâm cơm cầu kỳ đãi khách.
Bì trâu xào rau muống
Bì trâu xào rau muống trong những ngày bao cấp thực sự là một đặc sản chỉ nhà giàu mới có. Đến nay, món ăn này được hầu hết mọi người ưa thích vì đơn giản, dễ làm và hương vị thì không lẫn vào đâu được.
Thậm chí ở Hòa Bình hay Sơn La, da trâu còn được coi là đặc sản kỳ lạ và hút khách. Bà con người Mường, người Thái sẽ hun khói da trâu vài tháng cho đến khi đen sì, cứng và khô lại. Khi muốn chế biến món ăn, họ đem da trâu thái nhỏ, ướp với các loại gia vị và thêm nguyên liệu phù hợp.
Du khách đến Sơn La, nếu may mắn được nếm thử nộm da trâu thì sẽ thấy vô cùng thích thú. Món ăn của người Thái rất giòn, có đủ vị thanh dịu, vị hăng của nước măng chua, vị bùi của lạc rang và vị cay của mắc khén.
Hoa chuối
Hoa chuối được coi là một trong những món ăn bao cấp khó quên. Hoa chuối đồng bằng có màu tím, được sinh ra để gắn với những món ăn bình dị mà không kém phần ngon miệng.
Ngày nay, phổ biến nhất phải kể tới nộm hoa chuối ở miền Bắc, còn miền Nam gọi là gỏi bắp chuối. Món nộm là sự tổng hòa của đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, với vị hơi chát của hoa chuối, hòa cùng cái giòn béo của tai heo, bùi ngậy của lạc, thanh mát của rau thơm. Ngoài ra, hoa chuối còn được tận dụng làm canh, bún bung, hầm chân giò… hoặc làm rau ăn kèm đều rất ngon.
Rau tập tàng
Tập tàng là tên gọi chung của một tập hợp nhiều loại rau như: rau má, rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót,… có thể tìm thấy ở vườn nhà hoặc bất kỳ bờ bụi nào. Ngày trước, thứ rau này được nấu cùng với cua đồng, tạo nên món canh có hương vị tuyệt vời.
Hiện nay, tập tàng không chỉ xuất hiện ở nông thôn mà còn là món “khoái khẩu” của người thành thị với hai cách chế biến quen thuộc là luộc và nấu canh.
Ăn rau tập tàng luộc phải có nước chấm ớt tỏi giã nhuyễn hoặc mắm “lèo” mới đúng điệu. Thành phần tạo nên mắm “lèo” gồm có mắm tôm, tóp mỡ, hành phi, đậu phộng, mè… Hương vị của mỗi loại rau sẽ hòa quyện ngay trong miếng đầu tiên, khiến người thưởng thức phải ấn tượng và nhớ mãi.
Nấu canh tập tàng cũng không hề đơn giản. Vì tập tàng là tập hợp nhiều loại rau khác nhau nên đầu bếp phải biết loại nào là chín nhanh, loại nào lâu chín để cho vào nồi hợp thời điểm. Về dinh dưỡng, rau tập tàng là món ăn cung cấp nhiều chất xơ, khoáng và vitamin.
Tép rang khế chua
Tép rang khế chua là món ăn mà hầu như gia đình nào cũng biết. Cả hai nguyên liệu đều dễ kiếm, chế biến nhanh mà lại rất đưa cơm. Con tép đồng nho nhỏ rang cùng khế vừa có vị chua, vừa có vị ngọt.
Ngày nay, món ăn vẫn rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, tép đồng không dễ kiếm như xưa nên khó để thưởng thức lại hương vị của quá khứ.
Ngọn sắn muối
Thời bao cấp, sắn, ngô được trồng nhiều vô kể. Chính vì gạo thiếu, rau khan nên người dân đã tận dụng ngọn sắn non đem muối chua. Món ăn này khá ngon, có chút ngái ngái, nồng nồng và vị chua thanh đậm đà.
Giờ đây, khi nhắc đến ngọn sắn muối, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ. Ngọn sắn sau khi hái về sẽ được ngâm qua cho bớt nhựa rồi vò nát, nhưng chú ý không để vụn rau.
Cách muối rau sắn tương tự cách muối dưa cải nhưng việc chế nước, chế muối để cho ngon thì đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo. Một số người kì công, hàng ngày còn bê vại rau sắn ra phơi nắng cho nhanh ngấu. Tầm 5 đến 7 ngày, rau sắn ngấm muối là ăn được.
Ngọn sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng các nguyên liệu như cá, chân giò, thịt hoặc lạc. Mỗi món ăn lại có hương vị đặc trưng riêng rất hấp dẫn.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí