Những ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội dành thời gian thảo luận tuần qua. Nội dung nhận nhiều ý kiến trái chiều là việc quản hay cấm loại hình kinh doanh đòi nợ. Vì vậy, cơ quan thẩm tra trình ra Quốc hội 2 phương án để xin ý kiến: một là cấm kinh doanh đòi nợ thuê, hai là không quy định cấm.
Hiệu quả chưa thấy nhưng bất cập hiện rõ
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Ủy viên Ủy ban Kinh tế) nêu thực tế hoạt động dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đang biến tướng, bất chấp pháp luật, gây nhiều nguy hiểm khiến dư luận bất an.
Nữ đại biểu ủng hộ cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đóng góp của ngành nghề này không lớn hơn so tác hại gây ra.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhận định dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đang biến tướng, bất chấp pháp luật, gây nhiều nguy hiểm khiến dư luận bất an. Ảnh: quochoi.vn. |
Đồng tình, đại biểu Phan Như Hiệp (Ủy viên ủy ban các vấn đề xã hội) cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn lợi dụng, biến tướng dịch vụ này thành các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen...
Thậm chí việc này đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và thúc đẩy nhiều loại tội phạm phát triển, dễ làm phát sinh tiêu cực, bảo kê lợi ích nhóm, hỗ trợ cho việc lợi dụng hoạt động thu hồi nợ để phạm pháp và lạm dụng quyền lực. Từ lý do đó, ông Hiệp ủng hộ cấm kinh doanh đòi nợ.
Từng đưa ra nhiều lý do cho rằng nên cấm loại hình kinh doanh này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Giám đốc Sở Tư pháp Long An) tiếp tục bảo lưu quan điểm.
Theo bà, những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Nhưng nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực lại được thể hiện rõ.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính song hành, biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen, khủng bố tinh thần, đe dọa con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Giám đốc Sở Tư pháp Long An). Ảnh: quochoi.vn. |
“Đã có rất nhiều nhiều trường hợp gây dư luận xã hội, làm nhân dân bất an, bất bình, Nhà nước phải can thiệp, trấn áp và bỏ ra nhiều nguồn lực để giải quyết và xử lý, khắc phục hậu quả”, bà Dung nêu thực tế.
“Tôi rất băn khoăn, rất quan ngại về loại hình đòi nợ thuê, bởi vừa qua đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ”, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.
Ở góc độ kinh tế, bà Xuân cũng cho rằng loại ngành, nghề này không có đóng góp bao nhiêu vào ngân sách cũng như vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Không thể khó quản lý là cấm kinh doanh
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hòa lại có góc nhìn khác. Ông Hòa ủng hộ việc cho phép loại hình kinh doanh đòi nợ hoạt động nhưng gợi ý nên đổi tên nhẹ nhàng hơn thành "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".
“Không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh, mà nên tạo điều kiện để quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn”, ông Hòa nói.
Theo vị đại biểu này, thực tế cấm mà nhu cầu xã hội rất cần thì vẫn tồn tại và có những trường hợp trá hình nên càng khó quản lý. Vì thế cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu TP.HCM Trần Hoàng Ngân gợi ý nên đổi tên dịch vụ kinh doanh òi nợ thành kinh doanh thu hộ nợ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu TP.HCM Trần Hoàng Ngân cũng muốn để kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ nằm trong luật, song nên đổi tên nghe dễ dàng hơn như kinh doanh thu hộ nợ, giống một số nước áp dụng như Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc.
Dù ủng hộ, vị đại biểu này lại kiến nghị dừng cấp phép mới cho loại hình kinh doanh này, đồng thời có những quy định cụ thể hơn để điều chỉnh.
Ví dụ như luật của Thái Lan, Mỹ quy định điều kiện thành lập cũng như quy trình thu hồi nợ hết sức chuẩn mực, thậm chí quy định thời gian được gọi điện thoại cho khách nợ.
Tranh luận với các quan điểm ủng hộ loại hình này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói đây không phải tư duy theo lối “không quản được thì cấm”, mà đề xuất của Chính phủ cấm kinh doanh đòi nợ thuê hoàn toàn có cơ sở thực tiễn.
Từ khi luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đến nay 217 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đóng góp của họ cho xã hội chưa thấy nhưng hệ lụy đã rõ, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, bao nhiêu thảm cảnh đã xảy ra xuất phát từ chuyện vay nợ, áp lực trả nợ dẫn đến cướp của, giết người và nhiều vấn đề khác.
“Phải chăng họ quá tinh vi mà ta không quản lý được, hay còn nhiều lý do gì khác để tín dụng đen phát triển mạnh? Tôi nghĩ không loại trừ chuyện có cán bộ phẩm chất thoái hóa đã bảo kê cho tín dụng đen phát triển”, ông Phương nói.
Theo ông, việc cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vô hình trung đã trở thành “chiếc áo giáp kiên cố” khoác lên mình tín dụng đen. “Khi được cho phép, họ hoạt động hợp pháp nhưng trong thực tế đây là một cái áo đã được khoác lên trên che đậy hoạt động tín dụng đen ở bên trong”, đại biểu tỉnh Ninh Bình nói.
Vì thế, ông cho rằng đề xuất của Chính phủ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là có cơ sở và làm luật là vì phát triển chung của đất nước chứ không phải làm luật để phục vụ lợi ích của một số người.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết để đưa ra đề xuất việc cấm kinh doanh đòi nợ thuê, Chính phủ đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu, thảo luận, mời các chuyên gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị rất nhiều lần và đã xem xét hết sức thận trọng.
"Cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này, không đơn giản mà Chính phủ đưa ra như vậy", ông Dũng nói và tha thiết mong các đại biểu ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Theo chương trình nghị sự, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua ngày 17/6, tại đợt họp tập trung.
Tác giả: Hoài Vũ
Nguồn tin: zingnews.vn