Lời khai của Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba
Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba |
Liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, hai ngày qua, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TPHCM đưa ra hàng loạt biện pháp tố tụng đối với lãnh đạo của Công ty này.
Theo lời khai của Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em trai Nguyễn Thái Luyện), Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba là người đứng sau chỉ đạo đối tượng thu gom 600ha đất rồi đứng tên cá nhân nhận chuyển nhượng những khu đất nông nghiệp.
Sau đó, Lĩnh cùng đồng bọn dùng pháp nhân chức vụ của mình ở công ty và một số chi nhánh của công ty tự ý lập những dự án khu dân cư. Đáng nói, các dự án khu dân cư không có thật, phân lô không đúng quy định.
Tiếp đó, Lĩnh cho các nhân viên quảng cáo dự án "ma" để tiếp thị cho khách hàng. Khi khách hàng tìm tới mua thì Lĩnh cùng nhân viên ký hợp đồng thoả thuận để chuyển nhượng nền đất dưới dạng thổ cư. Khách hàng sẽ phải đóng lượng lớn tiền và Lĩnh cùng đồng bọn sẽ chiếm đoạt.
Xác định kẻ chủ mưu cầm đầu đường dây lừa đảo gần 7000 khách hàng
Lực lượng chức năng bao vây phong tỏa mặt trước trụ sở Công ty Alibaba tại đường Phạm Văn Đồng |
Từ lời khai của Lĩnh và từ chứng cứ thu thập được, kết quả điều tra ban đầu xác định, trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Theo đó, Luyện cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh thành lập Công ty Alibaba vào năm 2016 đồng thời “đẻ” ra các công ty con với quy mô hơn 2.600 nhân viên.
Thủ đoạn của các đối tượng là thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp sau đó làm đường nối các khu đất chính, giao cho các cá nhân đứng tên đồng thời phân lô bán nền, vẽ ra các dự án “ma” để thực hiện hành vi lừa dối khách hàng.
Tại Đồng Nai, Luyện có 29 dự án, Bà Rịa-Vũng Tàu 9 có dự án và Bình Thuận là 2 dự án. Tính đến ngày 30/6/2019, công ty của Luyện đã ký hợp đồng bán đất nền cho khoảng 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đến nay cho thấy, những dự án mà Công ty Alibaba rao bán cho khách hàng đều không có thật. Tuy nhiên để ràng buộc nhà đầu tư, Công ty Alibaba đề nghị ký phụ lục là hợp đồng như cho thuê lại đất với lãi suất “khủng”. Hình thức kinh doanh của công ty này được xác định theo mô hình đa cấp.
Trong một diễn biến có liên quan, trong chiều 20/9, Công an TPHCM tiếp tục huy động lực lượng thực hiện lệnh khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Chiến Binh Thép và chi nhánh Công ty Alibaba tại quận Thủ Đức.
Rất nhiều người bị Alibaba lừa đảo cũng đã đến cơ quan công an để trình báo vụ việc.
Tác giả: Gia Hân
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam