Du lịch

Dẻo thơm bánh gai đặc sản tiến vua nức tiếng xứ Thanh

Bánh gai Tứ Trụ - món ăn dân dã với vị ngọt thơm, bùi bùi này từng là lễ vật tiến Vua của người xứ Thanh.

Bánh gai Tứ Trụ tuy mộc mạc nhưng dễ gây thương nhớ với thực khách. Ảnh: LT.

Làng Mía, xã Thọ Diên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) nằm bên bờ hữu ngạn sông Chu. Vùng đất này nổi danh với nghề làm bánh gai nổi tiếng. Theo người dân địa phương, nghề làm bánh gai Tứ Trụ đã có từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV.

Trước đây, những chiếc bánh gai dẻo thơm là lễ vật dâng Vua. Sau này, trở thành sản vật không thể thiếu mỗi dịp diễn ra lễ hội Lam Kinh hay Tết đến, Xuân về. Đặc biệt, khi cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động, du khách đến Thanh Hóa ngày càng nhiều, nghề làm bánh gai truyền thống của dân làng trở nên nhộn nhịp.

Để cho “ra lò” chiếc bánh gai dẻo thơm, đượm vị cũng trải qua lắm công đoạn. Từ việc chọn nguyên liệu cho đến khâu nhào bột, nặn và hấp bánh,... đòi hỏi sự tỉ mẫn và đôi tay thành thục của những người thợ.

Nhân bánh được làm từ bột đậu xanh, dừa nạo sợi. Ảnh: LT.

Bao bọc bên ngoài là lớp bột đen mịn óng ánh được làm từ gạo nếp và lá gai. Bột nếp đem ngâm cho mềm, xay nhuyễn thành bột. Lá gai luộc chín, rửa sạch, ép khô rồi xay thành bột mịn trộn cùng bột nếp, mật mía tạo nên hỗn hợp màu đen sánh nhuyễn.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh xay nhuyễn trộn cùng đường, dừa nạo sợi và một ít dầu chuối. Tất cả nguyên liệu được hòa lẫn vào nhau trước khi được người thợ viên tròn.

Phần vỏ bánh sẽ bao bọc nhân bánh ở bên trong. Để tăng thêm hương vị thơm bùi, người thợ sẽ rắc thêm một lớp vừng trắng bao bọc bên ngoài vỏ bánh.

Cuối cùng là gói bánh với lá chuối khô đã lau sạch. Bánh gai Tứ Trụ được gói vuông vức. Mặc dù hình thức mỗi chiếc bánh mộc mạc, giản dị nhưng hương vị bên trong lại ngọt bùi, dẻo thơm dễ gây thương nhớ với thực khách gần xa.

Bao bọc bên ngoài là bột nếp xay nguyễn hòa cùng bột lá gai tạo thành lớp vỏ màu đen óng ánh. Ảnh: LT.

Bà Lê Thị Chung - chủ cơ sở làm bánh gai tại Thọ Xuân cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở làm bánh gai của gia đình bà cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 - 6.000 bánh, trong đó chủ yếu là cung ứng cho cảng hàng không Thọ Xuân. Vào dịp Tết, số lượng cung ứng ra thị trường tăng hơn gấp đôi.

Để đáp ứng nhu cầu, cơ sở của gia đình bà Chung phải thuê từ 8-10 lao động làm việc thường xuyên. Riêng vụ Tết, số lao động làm việc tại cơ sở của gia đình bà lên tới 12-13 người. Hiện giá bán lẻ là 5.000 đồng/chiếc, giá bán sỉ là 4.0000 đồng/chiếc.

Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân, làng nghề bánh gai Tứ Trụ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận từ năm 2015. Một năm sau, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Đến nay, việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm bánh gai Tứ Trụ ngày càng mở rộng, với tổng số sản xuất lên tới hơn 130 hộ. Đặc biệt, nhận thức về giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, phát triển thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các hộ sản xuất chú trọng.

Trung bình mỗi ngày cơ sở làm bánh gai của bà Chung (áo vàng) cung ứng ra thị trường 5.000 - 6.000 bánh. Ảnh: LT.

Năm 2019, sản phẩm bánh gai Lâm Thắm (xã Thọ Diên, Thọ Xuân) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau đó, được tỉnh Thanh Hóa vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Nghề làm bánh gai truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bình quân thu nhập của người làm nghề bánh gai từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, giá trị sản xuất hàng năm trên 50 tỷ đồng.

Tác giả: Lương Toán

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok