Bà Lưu Nghệ Minh, kỹ sư trưởng của Cục Khí tượng thủy văn tỉnh Phúc Kiến, cho biết bão Talim được dự báo sẽ tấn công một số thành phố dọc các khu vực trung tâm và phía Bắc của bờ biển tỉnh Phúc Kiến, trong đó có Phúc Châu và Ninh Đức.
Bà Lưu cho rằng khoảng 400.000 hoặc 500.000 người có thể nhận được lệnh sơ tán nhưng con số chính xác có thể thay đổi khi thời tiết diễn biến xấu. Theo viên kỹ sư trưởng này, hầu hết những người bị ảnh hưởng đều sống trong những căn nhà không thể chống chọi được gió lớn, ở các khu vực dễ bị lũ lụt hoặc lở đất, hoặc gần các công trường xây dựng. Bà Lưu cho biết trường học và sân vận động thể thao sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời.
Bão Talim đe dọa Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: WEATHER.COM |
Cơn bão Talim hình thành ở phía Đông Philippines hôm 9-9 và đang hướng đến Phúc Kiến và Đài Loan. Talim có sức mạnh ổn định và khi đổ bộ sẽ trở thành siêu bão, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo bão của Trung Quốc và tương đương với cơn bão cấp 4 hoặc 5 tại Mỹ.
"Talim là một cơn bão lớn. Nó sẽ khiến bất kỳ cơn bão nào khác mà chúng ta chứng kiến trong năm nay trở nên nhỏ bé" – bà Lưu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Bằng, giáo sư kiến trúc và kỹ sư về gió tại Trường ĐH Đồng Tế ở Thượng Hải, từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Bão quốc tế ở bang Florida – Mỹ, cho hay có thể hiểu được việc Trung Quốc và Mỹ áp dụng các phương cách khác nhau để bảo vệ người dân.
"Ở Florida, chính quyền khuyên mọi người nên sơ tán và đó là cách tốt nhất trong tình huống này. Theo ông, hầu hết người dân Mỹ sống trong nhà gỗ trên nền đất thấp nên dễ bị ảnh hưởng khi có gió mạnh, đồng thời người dân sống trong khu vực rộng lớn sẽ gây khó khăn cho quá trình viện trợ và hỗ trợ sau bão.
"Ở Trung Quốc, sơ tán hàng loạt thường không được xem là phương án được lựa chọn nhưng đối với những người sống trong những căn nhà ọp ẹp hoặc những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề thì tốt hơn hết nên rời đi" – chuyên gia này cho hay.
Ông Hoàng giải thích việc sơ tán hàng loạt không phổ biến ở Trung Quốc chủ yếu là do mật độ dân số. Theo ông, tuyến đường tránh bão sẽ trở thành cơn ác mộng về giao thông. Tại những nơi như Phúc Kiến, đường sá vẫn bị tắc nghẽn ngay cả trong những ngày nghỉ.
Tác giả: Xuân Mai (Theo SCMP)
Nguồn tin: Báo Người lao động