Dù các quan chức quốc phòng Trung Quốc nhiều lần đưa ra cam kết chính quyền Bắc Kinh không đi theo con đường của các cường quốc lớn tìm kiếm bá quyền vì cho rằng không phù hợp với giá trị và lợi ích quốc gia nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, đặc biệt là ở biển Đông.
Theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng lãnh hải Malaysia và Việt Nam, trong đó có việc triển khai một tàu khảo sát địa chất đi cùng 2 tàu hải cảnh bắt đầu hoạt động khảo sát địa chất gần bãi Tư Chính (thuộc thềm lục địa Việt Nam).
Theo báo Asia Times (Hồng Kông), báo cáo của AMTI chỉ ra rằng những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia và Việt Nam từ tháng 5 cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dọa dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.
Các tàu Hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines diễn tập chung ở biển Đông hồi tháng 5. Ảnh: Reuters |
Báo cáo cho thấy những hành vi của Trung Quốc đã đi ngược lại các tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương năm 2016, 2017 và 2018 hoặc Diễn đàn Kinh tế thế giới vào đầu năm 2017. Khi đó, ông Tập thúc giục cộng đồng quốc tế nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định, bình đẳng, quan hệ hữu nghị và thịnh vượng chung.
Theo dự thảo tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN dự kiến diễn ra tại thủ đô Bangkok - Thái Lan cuối tháng này, các nước ASEAN cũng bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc "làm xói mòn lòng tin" và gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản), các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh những lo ngại về việc bồi đắp đất và những hoạt động khác của Trung Quốc có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh cũng như ổn định trong khu vực.
Ông Swee Lean Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, nhận định việc chính phủ Việt Nam ra tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh rút tàu thuyền, bao gồm tàu Hải Dương Địa Chất 8, ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho thấy Việt Nam đang có động thái cứng rắn.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20-7 cũng chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi chính quyền Bắc Kinh chấm dứt hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn.
Nhắc lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh trên mạng Twitter rằng hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.
Phản ứng trước những chỉ trích từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 22-7 lớn tiếng cho rằng các bình luận của ông Pompeo và Bolton là vô căn cứ, đồng thời ngang ngược cáo buộc Mỹ và "các lực lượng bên ngoài" đang gây rắc rối ở biển Đông.
Theo ông Swee Lean Collin Koh, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, không chỉ các quốc gia thành viên ASEAN, nhận ra rằng những nỗ lực hòa giải với Trung Quốc về vấn đề biển Đông đã không mang lại kết quả. Một mặt, Trung Quốc công khai ủng hộ ngoại giao như nỗ lực thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục tận dụng các công cụ cưỡng ép để đạt được mục đích bất chấp xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các bên khác. Nếu không có bất kỳ động thái phản ứng cứng rắn nào từ phía cộng đồng quốc tế trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, những vụ việc tương tự sẽ còn tái diễn trong tương lai.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người lao động