Du lịch

Để tiếng cồng chiêng còn ngân vang mãi

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng - di sản phi vật thể của nhân loại.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Nhắc đến cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, mọi người liền nghĩ đến không gian văn hóa cồng chiêng. Đây không chỉ là tài sản quý giá, linh thiêng mà còn là bản sắc, đại diện cho văn hóa riêng vốn có của các dân tộc thiểu số ở vùng đất đại ngàn.

Từ bao đời nay, trong mọi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên không thể thiếu tiếng cồng chiêng.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. Đến năm 2008, được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời gian qua, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Đặc biệt, các cấp ngành đã và đang nỗ lực triển khai Nghị quyết 05 và 10 của HĐND tỉnh về bảo tồn hiệu quả và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và 2022-2025.

Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.

Để thực hiện các Nghị quyết mang lại hiệu quả cao, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, nhiệt tình ủng hộ của nhân dân, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, để hiện thực hóa các Nghị quyết nói trên, thời gian qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ trong khuôn khổ dự án do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jcollabuk, Hàn Quốc tài trợ. Từ đó không chỉ nhằm bảo tồn, mà còn đánh thức giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ tại Buôn Trấp đạt nhiều kết quả cao sau 2 tháng triển khai.

Là một trong 4 huyện được hưởng thụ từ dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, thời gian qua Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Ana đã phối hợp với các ban ngành và các nghệ nhân trên địa bàn tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).

Buôn Trấp cũng là buôn duy nhất có đội cồng chiêng nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Bởi theo phong tục của người Ê Đê, không cho phép cho phụ nữ và trẻ em đánh cồng chiêng. Do đó, duy chỉ có nhánh Ê Đê Bih Buôn Trấp là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được cho phép, khuyến khích phụ nữ đánh cồng chiêng.

Trống Hơ gơ trong dàn chiêng của người Ê Đê Bih.

Dàn chiêng của người Ê Đê Bih có 6 chiếc được phân ra thành 3 cặp gồm cặp chiêng mẹ, cặp chiêng cha và cặp chiêng con như một gia đình đầy đủ, đoàn tụ. Cùng với trống Hơ gơ, 3 cặp chiêng tạo ra hợp âm đặc biệt.

Hiệu quả từ việc làm cụ thể

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành văn hóa và các nghệ nhân, lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp được khai giảng vào ngày 14/6/2022, gồm 19 học viên nữ có độ tuổi từ 6-13 tuổi.

Các học viên của lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp luôn sẵn sàng đón nhận sự chỉ dạy của các nghệ nhân lớn tuổi.

Là một trong những nghệ nhân tham gia truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp, chị H’Lâm Hmok (SN 1995, trú tại Buôn Trấp) chia sẻ: “Việc dạy chiêng cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, vì nhiều nghệ nhân giỏi của đội chiêng đã già và về với tổ tiên. Mẹ của tôi là nghệ nhân H’Ríu Hmok cả đời tâm huyết với chiêng nữ cũng vừa qua đời cách đây mấy tháng. Bây giờ mình nối nghiệp mẹ, tôi tham gia truyền dạy đánh chiêng cho trẻ em trong buôn, để chúng hiểu mà giữ gìn giá trị văn hóa vô giá này mãi theo thời gian”.

Theo nghệ nhân H’Lâm, việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho các cháu nhỏ ở độ tuổi từ 6-13 tuổi rất khó khăn. Bởi hầu hết các học viên nhỏ tuổi này đều chưa hiểu hết được ý nghĩa của từng âm chiêng. Chính vì vậy, việc bắt nhịp trong quá trình đánh chiêng của các học viên không mấy dễ dàng.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân phát biểu tại buổi bế giảng lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih.

“Có không ít lần, các học viên tỏ ra nản lòng, muốn bỏ lớp học vì không tiếp cận được cách cầm, đánh chiêng. Lúc đó, các nghệ nhân như tôi chỉ biết an ủi, động viên các em cố gắng mới có thể học được truyền thống của cha ông để lại. Hơn nữa, cồng chiêng có vai trò rất quan trọng và gắn liền với cuộc sống của người Ê Đê Bih. Nếu không có cồng chiêng thì đồng nghĩa với việc đánh mất nguồn gốc của người Ê Đê Bih. Do đó, các em cần phải cố gắng tập để sau này truyền lại cho các thế hệ sau”, chị H’Lâm chia sẻ.

Để khắc phục những trở ngại nói trên, nghệ nhân H’Lâm cho hay, trong suốt thời gian truyền dạy, ban quản lý lớp đều có mặt để theo dõi, quản lý lớp học. Đồng thời, các nghệ nhân luôn kiên trì, nhẫn nại chỉ dạy cho các học viên từ những thao tác đơn giản nhất.

Bên cạnh đó, việc luyện tập được duy trì liên tục từ thứ 2 đến thứ 6. Đặc biệt, có nghệ nhân đã ở tuổi 80 nhưng vẫn hăng say, tận tình truyền dạy cồng chiêng cho từng học viên trong mỗi buổi học. Chính vì vậy, các học viên đã dần tiếp cận được cách đánh cồng chiêng, thậm chí tỏ ra thích thú và hào hứng đến lớp đều đặn.

Sau một thời gian triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nhiệt tình ủng hộ của người dân, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, sau 2 tháng truyền dạy, các học viên nhỏ tuổi tại Buôn Trấp từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng, múa xoang thì nay đã đánh được các bài chiêng truyền thống như: Đón khách, cúng lúa mới, cúng bến nước.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân trao giấy chứng nhận cho các học viên nhí.


Bà Vũ Thị Thành Huế, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Ana cho biết, qua lớp truyền dạy cồng chiêng đã giúp cho các học viên nhỏ tuổi trong buôn tiếp tục kế thừa, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Cũng theo bà Huế, trong thời gian tới, đội chiêng trẻ của Buôn Trấp sẽ tiếp tục tập luyện các bài chiêng đã được truyền dạy để nâng cao kỹ năng, đánh đúng tiết tấu. Mặt khác, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí năm 2023 để đội chiêng trẻ ôn luyện nhằm đạt chất lượng cao.

Hàng năm, phòng cũng sẽ tham mưu cho UBND huyện tổ chức diễn tấu cồng chiêng trẻ để thu hút các em nhỏ học đánh chiêng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ cho các nghệ nhân để động viên tinh thần, tạo động lực truyền dạy cho thế hệ con cháu nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.

Các học viên tại lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih được trao giấy chứng nhận.

Phát biểu tại buổi bế giảng lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, người gắn bó nhiều năm, dành nhiều tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên, tôi bắt gặp nhóm học viên cồng chiêng có độ tuổi nhỏ nhất. Người Ê đê Bih không có nhiều bài chiêng, chỉ có 3 bài. Đáng khen, các học viên nhí đã thể hiện ba bài chiêng đúng như thứ tự.

Toàn bộ tiết tấu, giai điệu của 3 bài chiêng đều được các cháu thực hiện rất tốt, hầu như không có em nào đánh sai tiết tấu, lại bài, nhịp múa xoang cũng ổn... Có thể nói, sự phối hợp của các nghệ nhân cao tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi đã mang lại những hiệu quả rất tích cực”.

Tại buổi bế giảng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã trao giấy chứng nhận cho 19 học viên của lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih tại Buôn Trấp.

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, kết quả của lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ tại Buôn Trấp cho thấy, các học viên nhí không chỉ dễ thương, hồn nhiên mà cũng rất năng khiếu. Từ động tác tay, bước chân rất nhịp nhàng.

Có thể khẳng định rằng, lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê Bih thành công tốt đẹp. Kết quả này là sự cố gắng của ngành văn hóa, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng với thị trấn, ban tự quản buôn góp phần cho sự thành công này.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi bế giảng.

Tuy nhiên, ông Đặng Gia Duẩn cho rằng, thành công này mới chỉ là bước đầu. “Chiêng đã được cấp, trang phục truyền thống đã được cấp, các bài chiêng đã truyền dạy, nhưng trong thời gian tới bộ chiêng kia có thường xuyên được vang lên hay không, có thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt để rèn luyện thêm kỹ năng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tôi xin trân trọng và đề nghị với lãnh đạo UBND huyện, với sự tham mưu của phòng văn hóa, các đồng chí tiếp tục có những chỉ đạo, hỗ trợ để không chỉ Buôn Trấp mà 26 buôn trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung. Chúng ta sở hữu di sản văn hóa độc đáo mà trên thế giới không có đó là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là niềm tự hào và cũng là thách thức cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị”, ông Duẩn nhấn mạnh.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok