Chiêng Mường tại Lễ hội Lam Kinh. |
Cồng, chiêng vốn dĩ là 2 loại khác nhau, nhưng hiện nay, việc gọi và phân biệt giữa chúng đã không còn rõ ràng. Bộ chiêng của người Mường trong giàn Sắc bùa có 12 chiếc, gồm 1 chiêng mẹ (còn gọi là cồng mẹ - giàm), 9 chiêng con (chiêng 1 đến chiêng 9) và 2 lăng khăng (còn gọi là mèn). Người Mường quan niệm rằng, nếu để nằm sấp chiêng sẽ mất tiếng, thế nên khi cất giữ người ta thường đan một cái bế to rồi đặt ngửa chiêng mẹ xuống dưới cùng và lần lượt chiêng chị, chiêng em... đều được đặt ngửa để giữ tiếng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, việc sắp xếp dàn cồng chiêng theo trình tự trong quá trình diễn tấu cho thấy người Việt cổ trên đất Thanh Hóa “đã biết khai thác và điều khiển âm thanh một cách chủ động chứ không phải ngẫu nhiên”. Và, cùng với trống đồng, cồng chiêng chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống nhạc cụ cổ, nó “chứng tỏ những nhạc khí có âm lượng mạnh mẽ, ngân dài không dứt đã tác động sâu xa trong tâm lý nghệ thuật của họ, nhằm khẳng định sự hiện diện của con người – vốn còn rất thưa thớt – trước thiên nhiên hùng vĩ, song huyền bí đến khiếp sợ”.
Đi qua một đoạn thời gian rất dài, cho đến tận ngày nay, khi thiên nhiên không còn cái dáng vẻ huyền bí, đáng sợ đối với con người như buổi sơ khai, thế nhưng cồng chiêng vẫn không vì thế mà đánh mất vị thế của nó. Sự tồn tại của cồng chiêng trong các bản người Mường cũng quan trọng như trống hội của người Kinh vậy. Thậm chí, cồng chiêng trong đời sống cộng đồng đã được nâng lên một thang giá trị mới, trở thành thứ “ngôn ngữ không lời” đặc biệt của văn hóa Mường! Đó không phải là tiếng cồng Tây Nguyên trong các thiên sử thi, được cất lên hào sảng, cuồng nhiệt, cháy rực đam mê quanh đống lửa nhà Rông và mang cả hơi thở cuồng dã như vọng lại từ bạt ngàn rừng cây, thác nước, khe suối... Cồng chiêng người Mường là vọng khúc của bình minh núi rừng, với dáng vẻ thanh thản khi sương theo sương về với mây trời; là cái âm hưởng dung dị và thuần phác, điềm đạm và thanh thản như nếp sống cộng đồng và nét tính cách con người. Chiêng Mường chính là bản nhạc được chắt ra và cất lên từ trong lao động và cuộc sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp lúa nước, lúa nương. Nó không phải những bản nhạc được ghi bằng giấy theo các nốt thăng, giáng và “nhạc công” được truyền nghề từ trong gia đình, theo năng khiếu hay yêu cầu, chứ không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào.
Có lẽ cũng bởi cái đặc tính rất tự nhiên ấy mà cồng chiêng đã mang đến cho đời sống âm nhạc người Mường một phong vị riêng. Nói đến diễn tấu cồng chiêng là nói đến diễn tấu Sắc bùa (hay Xéc bùa). Trong bản Mường nhà nào có chiêng đều có thể tham gia. Họ tập hợp thành phường gọi là “phường bùa” có khi lên đến vài ba chục trai gái, cùng xách chiêng đến từng nhà để tấu diễn chúc tụng.
Khi các chiêng to, nhỏ với thang âm khác nhau cùng vang lên, “phường bùa” sẽ cùng nhau hát bài mở đầu sắc bùa, bài mừng của, mừng của khéo làm, mừng sân, mừng cảnh nhà, chào nhà mới, chúc làm mùa, nhiều trâu lắm bò, tốt vịt tốt trứng, cảm ơn trâu, khen rượu, mừng có dâu mới... để chúc mừng gia chủ; hoặc hát chúc thọ đầu năm, chúc dân làng... cầu mong cho bản Mường một năm no ấm, yên vui. Đặc biệt, sự xuất hiện của chiêng Mường trong Lễ hội Lam Kinh không chỉ gọi dậy không khí trang nghiêm và thành kính; mà còn gọi dậy cả không gian văn hóa bản địa vùng Lam Kinh cho lễ hội lịch sử lớn nhất xứ Thanh này.
Không như tiếng sáo triền miên và đầy ma mị; âm thanh cồng chiêng vang xa và tan trong không gian như tiếng thở của những hồi ức và tâm tưởng. Không màu mè trong diễn tấu, thậm chí có phần thô phác, song sự kết hợp giữa tiết tấu cồng chiêng và giai điệu của những bài Sắc bùa vẫn mang đến cho người nghe niềm vui thích khi cảm nhận và hưởng thụ. Và do vậy, những vọng khúc chiêng Mường không chỉ phản ánh khả năng sáng tạo của cư dân bản địa trong âm nhạc, mà còn khẳng định vị thế đặc biệt của cồng chiêng trong đời sống văn hóa Mường.
Tác giả: Khôi Nguyên
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử