|
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng dành ngày 30/6 làm ngày thi dự phòng.
Theo lịch, ngày mai (27/6), thí sinh sẽ đến phòng thi, làm thủ tục đăng ký dự thi, nắm sơ đồ phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi, trong đó cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở, lưu ý thời gian gọi thí sinh, thời gian làm bài, những vật dụng thí sinh không được phép mang vào phòng thi…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi chia sẻ: Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Ngoài ra, trên 60% trường đại học dùng điểm kỳ thi này để xét tuyển. Với tính chất như vậy, định hướng đề thi sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp để các trường làm căn cứ xét tuyển.
Năm 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, ngành giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em; bản thân các em học sinh cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên được ngành giáo dục xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu chuẩn bị là khâu quyết định thành công của kỳ thi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo "4 đúng (đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường) - 3 không (không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức)".
Trước đó, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đợt và có sự đồng nhất về đánh giá nên kết quả đủ tin cậy để các trường đại học dùng xét tuyển. "Học sinh tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp vì qua nhiều năm cho thấy, kết quả kỳ thi này vẫn được sử dụng nhiều nhất để xét tuyển đại học".
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Chi tiết cách tính điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh năm 2023
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.
So với năm 2022, quy chế mới đã bỏ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi. Thay đổi này xuất phát từ lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào, dễ dẫn đến tiêu cực xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Theo Quy chế tuyển sinh Đại học ban hành năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển sinh bắt đầu từ năm 2023 này. Với quy định mới, thí sinh ở các khu vực được cộng điểm ưu tiên đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được) / 7,5] × Mức điểm ưu tiên
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Một số lưu ý cho các sĩ tử
Rà soát lại kiến thức: Các em cần hệ thống hóa kiến thức, học hiểu nội dung. Tập trung luyện tập phản xạ, quen thuộc với hình thức, cấu trúc, thời gian làm bài thi.
Giữ gìn sức khỏe: Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức quá khuya. Bên cạnh việc ăn uống điều độ và đủ chất thì các em cần kết hợp luyện tập thể chất, thư giãn, nghỉ ngơi.
Nắm rõ thông tin về kỳ thi: Các em cần nắm rõ lịch thi và thời gian làm bài thi, địa điểm, phòng thi, số báo danh và những quy định bắt buộc trong phòng thi.
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết: Giấy tờ cá nhân (giấy báo thi, CCCD), dụng cụ thi (bút, máy tính bỏ túi, Atlat Địa lý…), trang phục lịch sự đúng chuẩn mực và thoải mái.
Tác giả: Trúc Chi
Nguồn tin: nguoiduatin.vn