Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 gây nhiều tranh cãi về độ phân hóa ĐÀO NGỌC THẠCH |
Mục tiêu để xét tốt nghiệp
Tại buổi thảo luận lắng nghe góp ý của các chuyên gia và đại diện các tầng lớp khác nhau trong xã hội về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30.7 vừa qua, nhiều ý kiến đi đến thống nhất là phương hướng tổ chức thi những năm 2019, 2020 là thực hiện một kỳ thi với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT, ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây.
Việc xác định đúng mục tiêu của kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh, trên thực tế là vấn đề mà Báo Thanh Niên đã đề cập nhiều lần trước, trong và sau kỳ thi năm nay.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nêu quan điểm: Bộ GD-ĐT cần xác định rõ nhiệm vụ chính trị của kỳ thi là để xét tốt nghiệp chứ không phải để tuyển sinh ĐH. Không thể vì mục tiêu tuyển sinh của một số trường ĐH tốp đầu mà bắt học sinh cả nước phải làm đề thi quá khó, gây lo lắng, hoang mang không cần thiết.
Khi kỳ thi kết thúc, trao đổi với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng dù đề có khả năng phân hóa tốt hơn bởi nhiều câu hỏi nhưng với một dung lượng, thời lượng dành cho một kỳ thi, một bài thi thì rất khó để có thể đáp ứng được những yêu cầu mang tính chất vừa đại trà, đánh giá năng lực ở mức thấp, vừa tuyển lựa một số lượng tương đối nhỏ học sinh để vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao.
Ông Thi cũng nhấn mạnh cần coi đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiệm vụ chính vẫn là để xét công nhận tốt nghiệp sau 12 năm học của học sinh và chỉ đặt ra yêu cầu đánh giá năng lực ở mức trung bình. Những trường ĐH không có yêu cầu đặc biệt hơn thì vẫn có thể dùng kết quả đó để tuyển sinh ĐH.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng một kỳ thi có thể dùng kết quả vào hai việc khác nhau cũng không sao nhưng việc bàn luận xác định đúng mục tiêu của kỳ thi này là công nhận tốt nghiệp thì sẽ rất quan trọng tới các khâu còn lại...
Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập về giáo dục, nêu quan điểm: Bộ nên xác định rõ mục đích của kỳ thi này, phải đưa nó trở về đúng bản chất là để công nhận người học đã hoàn thành và đạt yêu cầu/mức chuẩn căn bản của chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả thi tốt nghiệp không phải là để so sánh nền giáo dục của các tỉnh thành. Nếu sử dụng đây là chỉ số đánh giá thành tích của các tỉnh thì đây chính là lý do gây ra áp lực thành tích và bệnh thành tích trong giáo dục.
Ông Hòa phân tích cách ra đề của năm 2017 đã tác động khá tích cực tới quá trình dạy học, giáo viên không chỉ tập trung vào luyện thi mà đã chú trọng tới đổi mới phương pháp. Học sinh đã tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực, sở trường của bản thân.
Trong khi đó, đề thi năm nay là đề để thi tuyển ĐH chứ không phải thi THPT, nhiều câu hỏi mang tính đánh đố. Điều đáng nói, những câu hỏi phân hóa lẽ ra cần phải kiểm tra được khả năng vận dụng, sáng tạo của học sinh thì vẫn rất nặng về kiểm tra kiến thức, mẹo mực.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu xác định mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp thì với đề thi năm nay (theo cấu trúc 60% dễ, 40% khó để phân hóa cho xét tuyển ĐH) sẽ có 50% thí sinh trượt tốt nghiệp nếu chỉ xét theo điểm thi. Vì thế, ông Ngọc đề xuất là cần phải ra đề theo cấu trúc 70% câu dễ, 20% câu khó và 10% câu cực khó. “Năm nay sở dĩ 98% thí sinh được công nhận tốt nghiệp là nhờ có điểm học bạ. Nhưng trong tương lai, nếu chỉ xét điểm thi để xét tốt nghiệp, thì cần phải chỉnh lại cấu trúc đề thi”, ông Ngọc đề nghị.
Chấm tập trung hay quét bài thi ngay sau khi thi ? Tại buổi thảo luận ngày 30.7, nhiều ý kiến đồng tình với việc nên chấm tập trung bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, một chuyên gia khảo thí cho rằng nếu đã xác định mục tiêu chính của kỳ thi là để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì việc tăng cường các biện pháp như chấm tập trung, lắp camera giám sát phòng thi... liệu có cần thiết? Theo chuyên gia này, nếu xác định mục tiêu cốt yếu là tốt nghiệp thì rõ ràng việc đó hoàn toàn là trách nhiệm của các địa phương, từ tổ chức coi thi đến chấm thi, ngân sách địa phương chi trả. Theo ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, việc tổ chức chấm trắc nghiệm tập trung, theo cụm không phải là phương án khả thi. “Hãy xem xét kết quả phúc khảo các bài thi trắc nghiệm của các tỉnh vừa rồi sẽ thấy, khâu kiểm dò là hết sức quan trọng, nếu không sẽ thiệt thòi cho thí sinh (phúc khảo toán từ 0,6 thành 7,2 do tô mờ, nhiều thí sinh thay đổi điểm trắc nghiệm sau phúc khảo). Chấm trắc nghiệm theo cụm liệu có kiểm dò được 100% bài thi của học sinh không?”, ông Quân đặt câu hỏi. Ông Quân đề xuất để không thể gian lận trong bài thi trắc nghiệm, sang năm Bộ chỉ cần yêu cầu mỗi điểm thi có một máy quét, một cán bộ tin học được tập huấn quét bài. Sau mỗi buổi thi trắc nghiệm thì điểm thi quét bài luôn trước khi niêm phong túi bài trước cán bộ coi thi. Sau khi kết thúc kỳ thi in ra 3 đĩa DVD, 1 đĩa trưởng điểm giữ, 1 đĩa phó trưởng điểm ĐH giữ, 1 đĩa gửi về ban chỉ đạo thi tỉnh (các đĩa đều cho vào bì niêm phong cẩn thận). |
Tác giả: Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Báo Thanh Niên