Đã nhiều lần, người dân trong ngõ đến nhắc nhở những hộ nuôi chó không được thả chó phóng uế ra đường, thậm chí hàng xóm còn xảy ra xích mích, mất đoàn kết với nhau chỉ vì việc dọn phân chó, mèo.
Chị Trần Thị P., hộ dân sống trong ngõ bức xúc: Nhà nào nuôi chó cũng vô ý thức như thế này thì còn đâu ngõ phố sạch đẹp. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ chỗ nào cũng có phân chó. Có hôm chạy xe không để ý, bánh xe dính phân rồi dắt xe vào nhà, làm cả nhà toàn mùi hôi thối, không chịu nổi...”.
Được biết, tại Điều 7, Khoản 1, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi “Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng” và “Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải khắc phục tình trạng ô nhiễm. Luật quy định là vậy, nhưng chưa bao giờ thấy chính quyền địa phương tuyên truyền trong các hội nghị phố hoặc loa truyền thanh và cũng chưa thấy hộ nuôi chó nào để chó phóng uế ra môi trường mà bị phạt hành chính. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương nên tuyên truyền các nghị định mới liên quan thiết thực đến đời sống của người dân trên các phương tiện truyền thanh hoặc gửi bản cam kết đến từng hộ gia đình có nuôi gia súc, gia cầm, động vật. Nếu sau khi tuyên truyền mà vẫn có người vi phạm, cơ quan pháp luật áp dụng các chế tài hiện có để xử phạt họ. Thực hiện triệt để việc này, tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm môi trường sống do gia súc, gia cầm, động vật gây ra tại các đô thị, khu dân cư sẽ không còn là nỗi bức xúc của người dân.
Tác giả: Lê Nhân
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa