Theo phản ánh của người dân sinh sống ven đê cũng như ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng tuyến đê đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đê chằng chịt những ổ trâu, ổ voi. Nhiều đoạn tạo thành hố sâu tới cả 20cm, kéo dài cả chục mét để lộ phần đá cấp phối trong thân đê...
Ông Lê Văn Phan (thôn 1, xã Thiệu Long) bức xúc: Khoảng năm 2009, UBND tỉnh đầu tư, làm lại phần mặt đê để người dân thuận tiện đi lại, đồng thời cũng để gia cố bảo vệ tuyến đê. Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đê xuống cấp nhanh chóng. Nguyên nhân theo ông Phan là do xe quá tải chở đất cho các nhà máy gạch hoạt động trên địa bàn các xã Thiệu Giao, Thiệu Công, Thiệu Quang hoành hành.
“Người dân chúng tôi ở đây không khỏi bức xúc khi lưu lượng xe chạy qua tuyến đê này quá lớn. Chủ yếu là các xe chở đất. Xe chạy gây hư hỏng đê đã đành, mà còn gây bụi bặm mù mịt. Cách để người dân tránh tình trạng trên là đi đường nhỏ, đường nhánh trong khu dân cư. Tuy nhiên, đường đê để phục vụ nhân dân chứ đâu phải của riêng mấy anh chở đất? Tình trạng này đã kéo dài nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng” - ông Phan bức xúc.
Tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng. |
Trong khi đó, một hộ dân khác của xã này cho hay, suốt gần 10 năm qua, đoạn đê càng xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi trời mưa, gần như người dân không dám lưu thông trên tuyến đê. Đã có không ít các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và các cháu học sinh.
Đã nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhân dân các thôn, xã đã kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cấp ngành nào xử lý?
Tìm hiểu được biết, đoạn đê hữu sông Cầu Chày qua xã Thiệu Long có chiều dài khoảng hơn 3km, được nối với xã Định Bình, huyện Yên Định. Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định nâng cấp 1,5km (đoạn từ công sở UBND xã Thiệu Long đến giáp ranh xã Thiệu Giang) bằng bê tông kiên cố phần mặt đê. Dự án do Sở GT-VT làm chủ đầu tư. Hiện còn 1,5 km còn lại chưa được đầu tư, đê đắp bằng đất chưa gia cố, tiềm ẩn mất an toàn mỗi mùa mưa bão.
Ông Trịnh Duy Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đê là rõ. Năm 2017, UBND xã Thiệu Long đã trích ra 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã để xây dựng 2 điểm trụ bê tông hạn chế xe quá tải. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng xuống cấp tuyến đê này thì phải có sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng.
“Ngoài vai trò hộ đê thì đây cũng là tuyến đường lưu thông của các xã nên tính cấp thiết rất cao. Qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, các cử tri liên tiếp đưa ý kiến, kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương có biện pháp tu bổ, sửa chữa, nâng cấp tuyến đê, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả” - ông Phương cho biết thêm.
Được biết, mới đây tháng 8/2020, sau sự cố nứt mặt đê, đoàn liên ngành Sở GT-VT, Sở NN&PTNT và UBND huyện Thiệu Hóa đã về khảo sát, đánh giá lại thực trạng của tuyến đê.
Tác giả: Sơn Đình
Nguồn tin: Báo Văn hóa & Đời sống