Thanh Hóa là địa bàn rộng, có đường biên giới kèo dài với nước bạn Lào nên các loại tội phạm hoạt động phức tạp. Các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng đưa các bị cáo trong những vụ án hình sự ra xét xử công khai, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Sau mỗi bản án, các bị cáo nhận thức được hành vi vi phạm của mình để “cải tà quy chính”.
Thanh Hóa có nhiều đường mòn, lối mở |
Huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) hiện đang có khoảng 108 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó, phần lớn họ sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều làm ăn lương thiện, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nhận thức rõ về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác tái hoà nhập cộng đồng, những năm qua, các đơn vị trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi. Trong đó, mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” do Công an huyện tham mưu, phối hợp triển khai xây dựng là một trong những cách làm hay, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lầm lỗi, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Cần tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù |
Mô hình có 13 thành viên tham gia, đều là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, sẵn sàng tiếp nhận, đào tạo, hướng dẫn ngành nghề cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Được biết, toàn huyện hiện có gần 25% người chưa được xóa án tích gặp rất nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng, không có việc làm ổn định và thiếu vốn sản xuất.
Mô hình "Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng" là một trong những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Như Xuân nhằm giải quyết các vấn đề trở ngại của người chấp hành xong án phạt tù.
Anh Thượng quyết tâm làm lại từ đầu sau khi chấp hành xong án phát tù |
Sau hơn 2 năm thi hành án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, anh Lương Văn Thượng, sinh năm 1975 ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân được trở về với gia đình. Cũng như những người lầm lỗi khác, rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của anh Thượng đó là không có việc làm ổn định. Giữa lúc không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai thì anh Thượng được Công an huyện Như Xuân giới thiệu và bảo lãnh vào làm công nhân tại xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Công ty Nhật Dương. Bằng sự chịu khó và tích cực lao động sản xuất, đến nay anh đã có mức lương ổn định với thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Còn anh Võ Văn Sơn, ở xã Bãi Trành trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội “Trộm cắp tài sản”. Ngày trở về, người đàn ông này vẫn đau đáu trong lòng những mặc cảm, tự ti về thân phận của một người có quá khứ lỗi lầm. Thế rồi, nghị lực hoàn lương của anh đã được tiếp thêm sức mạnh, khi anh được Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn vốn này, anh Sơn đã đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Với cách làm và hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở Như Xuân đã góp phần quan trọng xóa bỏ được sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với người lầm lỗi, tạo cho họ một điểm tựa trong cuộc sống, giúp họ vững tin hơn trên con đường hoàn lương. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người lầm lỗi, từ năm 2023 đến nay, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội Như Xuân đã giải ngân cho 13 trường hợp, với tổng số tiền đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng.
Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh hơn 6.282 lượt; đăng tải gần 1.000 lượt tin, bài phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các nền tảng mạng xã hội; tổ chức gần 700 lượt tuyên truyền lưu động tại các địa bàn cơ sở; kẻ vẽ trên 1.000 băng zôn, pa nô, khẩu hiệu; cấp phát hơn 1.000 tờ rơi và hơn 500 cuốn tài liệu về công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời phối hợp tổ chức 5 Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1.200 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tham gia.
Đến nay, Thanh Hóa đã có 146 mô hình tái hòa nhập cộng đồng, riêng từ tháng 10/2023 đến nay, toàn tỉnh đã ra mắt mới thêm 2 mô hình cấp huyện và 84 mô hình cấp xã. Trong đó có nhiều mô hình đang được duy trì, hoạt động có hiệu quả.
Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trong cả nước.
Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của cấp trên về công tác tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu được đường lối, chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác đặc xá, tha tù.
Vận động Nhân dân không kỳ thị xã lánh người đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù; nhất là kêu gọi, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng có uy tín, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận đỡ đầu, quản lý, giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa. Tiếp nhận những người đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ vốn để họ làm ăn kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: congly.vn