Đây là một sự kiện quan trọng của đất nước và là bước phát triển đột phá trong ngành lọc hóa dầu của Việt Nam. Từng là nước phụ thuộc hoàn toàn vào xăng dầu nhập khẩu, Việt Nam đã dần đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa nhờ các nhà máy lọc dầu đã và đang đi vào hoạt động như Dung Quất, Nghi Sơn…
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (trên 9 tỷ USD). Gồm các nhà đầu tư là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam góp 25,1% vốn, Công ty Idemitsu Kosan góp vốn 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7% và Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait 35,1%. Dự án có công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo kế hoạch, khi đạt 100% công suất vận hành, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành, sản lượng xăng dầu cung cấp từ các nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trước khi vận hành thương mại, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoạt động và cho ra nhiều dòng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu và cung cấp trong nước, trong đó có các sản phẩm như: Ron 92, Ron 95, nhiên liệu máy bay, benzene, hạt nhựa PP, dầu diesel… Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PV Oil Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.
Theo tính toán của Viện Dầu khí Việt Nam, với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Dự buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Song theo Thủ tướng còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm vận hành nhà máy tuyệt đối an toàn, bảo vệ môi trường, áp dụng các sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Mục tiêu đặt ra của Nhà máy không chỉ đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại tại thị trường Việt Nam mà luôn chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thị phần trong nước cũng như xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia… Đây là tín hiệu tích cực.
Song sẽ có ý nghĩa đầy đủ hơn nếu người tiêu dùng và DN khi sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước đều được hưởng lợi, góp phần chủ động nguồn cung, giúp thị trường bớt chịu tác động từ thị trường quốc tế... Làm sao để tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của DN và Nhà nước.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị