Ngày 9/6, Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Đây cũng là phiên thảo luận đặc biệt khi Quốc hội kéo dài thời gian thảo luận đến 18h30, thay vì 17h như thông thường.
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Ảnh: Quochoi.vn). |
Ngay từ đầu giờ sáng, bảng thông báo điện tử đã có 80 ĐBQH đăng ký phát biểu. Trong khi các ĐBQH thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đa số ý kiến các ĐBQH đồng tình với báo cáo về kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã trình bày trước đó. Nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo các chỉ tiêu như trong Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn từ thuế nhưng nguồn thu này lại đang trong đà suy giảm theo xu hướng hội nhập quốc tế, thất thu ngân sách xảy ra thường xuyên, một phần do quản lý hóa đơn còn buông lỏng. Bà Thơ chỉ ra, lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều công ty "ma" được lập ra để mua bán chứng từ, mua bán các hóa đơn đầu vào để hưởng hoàn thuế, gây thất thu cho NSNN.
Năm 2016, hàng loạt vụ án về thuế GTGT bị phơi bày nhưng chủ yếu lại do cơ quan công an điều tra phát hiện chứ không phải do cơ quan thuế phát hiện. Vị đại biểu dẫn chứng, năm 2016, trong khi số thu NSNN từ thuế GTGT hàng nhập khẩu là 175.065 tỷ đồng nhưng hoàn thuế GTGT đã phải chi 97.925 tỷ đồng. Như vậy, thực chất thu từ thuế GTGT đầu ra còn 81.000 tỷ đồng. Từ thực tế nói trên, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bộ Tài chính cần thiết lập lại bảng kê các khoản mua vào - bán ra để tạo sự minh bạch, hiệu quả hơn trong kiểm soát các khoản thu thuế.
Đề cập về chi ngân sách NSNN, đại biểu Thơ đánh giá, năm 2009, khi luật Quản lý nợ công ra đời thì cũng từ thời điểm đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Chính phủ đã phải dành một phần không nhỏ NSNN để trả nợ nhưng vẫn không đủ mà phải đi vay để đảo nợ.
Vị đại biểu dẫn dụ, năm 2017, dự toán vay cho cân đối NSNN mà Chính phủ đặt ra là 316.300 tỷ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng. Các con số trên cho thấy Chính phủ đang loay hoay trong bài toán chi thường xuyên, đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó, về nguyên lý thì các khoản nợ vay chỉ được chi cho đầu tư phát triển để sinh lợi và lan tỏa tới nền kinh tế.
Do đó, bà Thơ đề nghị Chính phủ phải xem xét cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng cho đầu tư phát triển và hạn chế, thắt chặt chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng, chi cho những khoản không cấp bách. Điều đó cũng có nghĩa là phải mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thu gọn bộ máy hành chính.
Nhiều ĐBQH cũng chia sẻ với Chính phủ về tình hình ngân sách còn hạn hẹp nhưng phải chi thường xuyên cao. Tuy nhiên, ĐBQH đề nghị Chính phủ cần các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên, tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính…. Đảm bảo nguyên tắc đủ thu, đủ chi.
ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan, khách quan, hạn chế yếu kém về 2 chỉ tiêu năm 2016 không đạt trong báo cáo Chính phủ đã nêu rõ là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó rút kinh nghiệm chỉ đạo trong thời gian tới.
Vị ĐBQH cũng phân vân tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% như quyết tâm của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn, thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao.
“Đề nghị có các giải pháp cụ thể hơn tập trung vào 6 tháng cuối năm. Bên cạnh các vấn đề liên quan kinh tế, cần rà soát toàn diện, đưa ra giải pháp cụ thể trên toàn các lĩnh vực, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra”, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh.
“Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, tiếp tục bố trí vốn triển khai dứt điểm các công trình đang dang dở ở các địa phương, sớm đưa vào khai thác, tránh lãng phí. Cụ thể như dự án đường cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết – Bình Thuận đã qua 7, 8 năm vẫn chưa được triển khai. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay, Quốc hội vẫn chưa phân bổ nguồn vốn nên dự án vẫn còn trên giấy…”, vị ĐBQH đoàn Bình Thuận nói.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cũng quan tâm và trăn trở đặc biệt đến vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và những vụ việc khiếu kiện đông người. Bên cạnh những chiến lược, kết quả đạt được trong công tác này, còn một số những vấn đề nổi lên như: tình trạng suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống, khiếu kiện đông người, có lúc có nơi diễn ra gay gắt..., đặc biệt liên quan đến đất đai, nhất là những khu giải phóng mặt bằng. Số vụ việc khiếu kiện kéo dài, có bàn tay hỗ trợ can thiệp tinh vi.
“Có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc thực thi công vụ của một bộ phận công vụ không đúng, không đầy đủ, hành vi quan liêu gây bức xúc cho nhân dân. Giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa coi trọng. Có nhiều nơi, cán bộ chính quyền không tiếp dân định kỳ theo quy định”, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, có địa phương, cán bộ bị kiểm điểm hàng chục lần trong vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại cho nhân dân nhưng vẫn tại vị. Nhiều vụ việc đơn giản vẫn phát sinh khiếu kiện tố cáo kéo dài…
ĐBQH cũng đề xuất nhiều giải pháp, nhấn mạnh đến việc nâng cao thực hiện của chính quyền các cấp, coi đây là trọng tâm công tác, chấn chỉnh công tác tiếp công dân từ cán bộ. Xác định quyền, trách nhiệm người đứng đầu, giải quyết khiếu nại tố cáo, quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với nhân dân…
Quốc hội vẫn đang thảo luận về nội dung này với nhiều ý kiến xác đáng của các ĐBQH.
Tác giả: Dương Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin