Trong nước

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cần thanh tra hàng loạt dự án BĐS tại Thanh Hóa

Các cơ quan chức năng nên vào cuộc kiểm tra, thanh tra lại toàn bộ các dự án bất động sản khác tại địa phương này.

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cần thanh tra toàn bộ các dự án bất động sản trên địa bàn Thanh Hóa những năm gần đây.

9 dự án bất động sản mà UBND tỉnh Thanh Hóa bắt buộc phải hủy hợp đồng, sau khi có sự vào cuộc điều tra của C46 - Bộ Công an.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, mặc dù hợp đồng đã bị hủy, tuy nhiên cần phải xem xét trách nhiệm về hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đã cố tình làm trái đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trái quy định của Luật Đất đai. Ở đây tỉnh đã ký để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định thầu, định giá sử dụng đất ở mức “quá thấp”, không đúng với quy định của Luật Đất đai năm 2013, là hành vi đã được hoàn thiện trước pháp luật khi ký tên, đóng dấu. Thanh Hóa trong thời gian từ năm 2014-2018 có nhiều dự án bất động sản sai phạm như vậy gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Như vậy là cố ý làm trái nên cần phải xem xét trách nhiệm về mặt hành vi.

Theo đại biểu Nhưỡng, toàn bộ quá trình thực hiện các dự án là cả một thời gian dài, chứ không thể nói chỉ ngày một, ngày hai. Do đó, là lãnh đạo thì bắt buộc phải nhận thức được những hành vi mình làm. Còn việc có gây hậu quả hay không thì các cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ. Vì câu chuyện UBND tỉnh Thanh Hóa rục rịch ký bán chỗ đất đó cho đến khi ban hành thông báo “hủy hợp đồng”, đồng nghĩa bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải dừng các công việc như xây nhà cửa, sản xuất kinh doanh… trên lô đất đã trả tiền mua, như thế sẽ dẫn đến có thể gây thiệt hại cho ngân sách, thiệt hại cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc hủy hợp đồng, vì vi phạm vào Luật Đất đai, sẽ gây náo loạn cho nhà đầu tư và nhân dân, từ đó đánh mất niềm tin, tín nhiệm vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

''Tôi được biết, trên địa bàn Thanh Hóa từ năm 2010 đến nay có trên 1.000 dự án bất động sản được triển khai, với diện tích hơn 4.000ha. Đây là con số rất lớn. Do đó, khi cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra 9 dự án đã phát hiện ''đều có sai phạm”, thì rõ ràng hàng trăm dự án khác có thể cũng có “vấn đề”? Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng như công an, Thanh tra Chính phủ, để trả lời câu hỏi về quản lí, sử dụng, cấp phép và đặc biệt là khâu lựa chọn chỉ định thầu, thẩm định giá có khiến cho ngân sách thất thoát hay không?'' – đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan khác kiểm tra một số dự án bất động sản “đất vàng, giá bèo” trên địa bàn Thanh Hóa mà báo chí nêu và phải báo cáo Thủ tướng trong quý 2/2017. Tuy nhiên, đến nay, Bộ này vẫn chưa có kết luận và công khai kết quả kiểm tra khiến dư luận bức xúc.

Liên quan đến 8 dự án bất động sản trên địa bàn TP. Thanh Hóa và 1 dự án trên địa bàn huyện Triệu Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây phát đi Thông báo 245/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị nghe báo cáo tình hình ký kết lại hợp đồng của một số dự án đầu tư có sử dụng đất, thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ yêu cầu và hợp đồng dự án giữa bên mời thầu và chủ đầu tư có nội dung tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước không đúng quy định của Luật Đất đai 2013.

Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tham mưu trình phê duyệt hồ sơ yêu cầu.

Các dự án: Khu dân cư An Phú Hưng; Khu nhà ở thương mại Nam đường Nguyễn Phục; Khu dân cư Đông Vệ; Dự án công viên nước Đông Hương; Dự án khu đô thị Núi Long; Dự án khu dân cư xóm Bắc Sơn 2 (đều thuộc TP. Thanh Hóa) và dự án Khu đô thị Sao Mai (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) không đảm bảo quy định của Luật Đất đai 2013.

Ở các dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan dừng xem xét, giải quyết các thủ tục về đầu tư… cho đến khi Hợp đồng dự án được các bên đàm phán, ký kết lại đảm bảo quy định của Luật Đất đai 2013.

Đa số các dự án này đều được ông Nguyễn Đình Xứng, khi đó là Phó chủ tịch, nay là Chủ tịch UBND tỉnh và bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký tính tiền sử dụng đất.

Điều đáng nói, bà Lê Thị Thìn cùng với ông Ngô Văn Tuấn tại phiên họp bất thường kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVI 2011 – 2016 (ngày 10/11/2015) được bầu bổ sung vào chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Vừa qua, ông Ngô Văn Tuấn đã bị kỷ luật, cắt mọi chức vụ vì nâng đỡ “không trong sáng” việc thăng tiến thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Sở Xây dựng.

Còn bà Lê Thị Thìn đã ký tính tiền sử dụng đất cho nhiều dự án bất động sản, vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013 theo như Thông báo số 245/TB-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, cần sớm được xem xét xử lý trách nhiệm.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc.

Tác giả: Hữu Thắng

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok