Cho ý kiến về dự thảo này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện bày tỏ: Hiện nay, có hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” mà dư luận vẫn phản ánh, hay thường xuyên phải giải cứu thịt lợn, giải cứu củ cải, su hào. Vậy luật này có thể khắc phục được các vấn đề đó không?
“Theo Quy định Pháp lệnh giống vật nuôi thì việc quản lý giống vật nuôi trong danh mục cấm hoặc được phép là chưa phù hợp với luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vì vậy, quan điểm xây dựng luật Chăn nuôi lần này là coi giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là một sản phẩm hàng hóa và phải quản lý theo luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Đồng thời, đối với cơ sở sản xuất giống vật nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi cần phải quản lý theo hướng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thể hiện được quan điểm này. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu các quy định trong dự thảo Luật để quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý. Cá nhân tôi rất kỳ vọng nhưng theo tôi cần quan tâm rà soát về vấn đề này để đảm bảo khắc phục hiện tượng nói trên”, bà Hải phát biểu.
Toàn cảnh phiên họp - (Ảnh: Quochoi.vn). |
Trưởng ban Dân nguyện cũng bày tỏ băn khoăn về quy định chăn nuôi trong nội thành, nội thị và khái niệm chăn nuôi nhỏ lẻ không được dự thảo Luật giải thích rõ ràng. “Ranh giới nội thành, nội thị, khái niệm chăn nuôi nhỏ lẻ trong phần giải thích từ ngữ ở dự thảo Luật không có, chỉ có chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Ví dụ: Nhà tôi nuôi mấy con gà tre để làm cảnh, đẻ trứng… ở đây không vì vụ lợi nhưng có thể thừa ra một chút muốn bán thì như thế nào?”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi.
Ngoài ra, bà Hải cũng cho rằng, tại Điều 41 quy định về hành nghề chăn nuôi, dự thảo Luật chưa quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề chăn nuôi. “Trong đây, chỉ nêu hành nghề chăn nuôi, lấy mẫu thức ăn và thụ tinh nhân tạo. Việc cấp chứng chỉ hành nghề chăn nuôi được rất nhiều cử tri quan tâm nên cần ghi rõ trong luật. Với những người chăn nuôi đã hành nghề, luật cần ghi rõ các quy định để nếu thiếu, họ sẽ đi học thêm, bồi dưỡng nhằm duy trì cuộc sống, tiếp tục hành nghề", bà Hải đặt vấn đề.
Một khía cạnh khác cũng được Trưởng ban Dân nguyện góp ý là về việc đưa quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho rằng: Dự thảo chưa nêu rõ ràng về trình tự, thủ tục, điều kiện kinh doanh. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi phải hướng đến giao cho cơ sở, cá nhân đảm nhiệm, Nhà nước chỉ kiểm tra, giám sát.
Ông Thanh cũng cho rằng, dự thảo có quy định chưa được đề cập rõ ràng. Quy định chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị… mâu thuẫn nhau. “Điều 7 có quy định, không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị. Trong khi đó, Điều 38 lại quy định giao cho UBND trình HĐND quy định các khu vực trong nội thị, nội thành được chăn nuôi, chăn nuôi tập trung trong khu dân cư.
"Như vậy, có thể hiểu rằng, việc chăn nuôi trong đô thị, nội thị vẫn cho phép ở quy mô nhỏ lẻ, không thương mại. Còn trong khu dân cư vẫn có vùng được chăn nuôi tập trung. Đề nghị chính sách cấm cũng phải rõ ràng để tránh mâu thuẫn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị luật này quy định rõ hơn việc quản lý giống, vật nuôi… để vừa tiếp cận những nguồn gene giống vật nuôi nước ngoài, vừa đảm bảo tự chủ. Bên cạnh đó, trong thức ăn chăn nuôi cần rà soát liên quan đến quy định, cố gắng đảm bảo với điều ước quốc tế, tinh gọn thủ tục hành chính. Các quy định trong dự thảo Luật cần tạo ra cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chuẩn giá trị và nâng cao GTGT.
Tác giả: Nhất Nam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin