Trong tỉnh

Đẩy nhanh tiến độ thi công giao thông kết nối ở Thanh Hóa

Nhiệm kỳ này, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối nhằm phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông và mở ra không gian phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế ở các địa phương.

Cầu Xuân Quang vượt sông Mã đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Đầu năm 2023, Dự án đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng để thi công tuyến đường dài 14,6km, rộng 11m, mặt đường thảm bê-tông nhựa, bảo đảm 2 làn xe cơ giới lưu thông với tốc độ 80km/giờ được triển khai thực hiện.

Tuyến giao thông này có điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại Km311+890/QL1A thuộc địa phận xã Hoằng Xuân, điểm cuối giao với Quốc lộ 45 tại Km56+234/QL45 thuộc địa phận xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa.
Đến thời điểm này, tuyến đường kết nối thuộc địa bàn huyện Hoằng Hóa và Thiệu Hóa cơ bản hoàn thành, chờ thông cầu Xuân Quang vượt sông Mã cùng đoạn đường 2 đầu cầu.

Theo thiết kế, cầu Xuân Quang dài 1.042m và nhà thầu thi công đã đạt 83% giá trị xây lắp, nhất là hoàn thành các hạng mục quan trọng gồm toàn bộ 26 mố, trụ cầu, đúc dầm 21 nhịp mặt cầu; hoàn thành 2 cầu vượt, một hầm chui, 95% nền đường, 90% cống, rãnh, tường chắn và 30% móng đường hai đầu cầu.

So với mục tiêu phấn đấu, dự án không bảo đảm hoàn thành thông xe kỹ thuật trước ngày 25/10/2024. Chỉ huy trưởng Công ty cổ phần 479 Hòa Bình Lương Công Hương lý giải, nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4 khiến mực nước sông Mã dâng cao vượt qua cao độ mặt bằng bãi thi công được cấp phép, buộc nhà thầu phải di chuyển máy, thiết bị khỏi vị trí thi công. Mưa lớn kéo dài liên tục nên từ ngày 3/9/2024 đến 12/10/2024 dự án phải dừng thi công.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa, dự án đã không thể thông xe kỹ thuật cầu Xuân Quang và hoàn thành dự án trước 25/10/2024 như yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành theo tiến độ hợp đồng đã ký.

Hiện, đơn vị thi công cầu Xuân Quang đang thi công khối cạnh trụ dài 9m, một khối hợp long, lao lắp 4 nhịp dầm SuperT còn lại, 6 nhịp mặt cầu, 1.100 gờ lan can, 1.300 lan can thép, 7 khe co giãn, 11.000m2 bê-tông nhựa, an toàn giao thông, kè gia cố mái đê và bờ sông Mã.

Với đường hai đầu cầu, tiếp tục theo dõi lún 150m đoạn tường chắn có cốt, thi công 10.000m3 nền đường đắp đất, 9.000m3 móng cấp phối đá dăm, 20.000m2 mặt đường bê-tông nhựa, lắp đặt hoàn thiện rãnh bê-tông cốt thép, bó vỉa, đan rãnh, lan can tường chắn.

Thi công cấp phối đá dăm đoạn đường đầu cầu Xuân Quang.

Thúc đẩy kết nối giao thông liên huyện phía bắc tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn-Hoằng Hóa có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thi công gần 19km đường giao thông đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng được triển khai thực hiện.

Ngoài thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đến nay huyện Nga Sơn đã bàn giao 12,037km cho nhà thầu thi công giải phóng tuyến, đạt 94,3% khối lượng cần giải phóng mặt bằng.

Các điểm còn vướng, chưa bàn giao mặt bằng dài 0,728km liên quan 98 hộ dân có đất ở qua nền đường thông thường và các đoạn trên tuyến phải xử lý nền đất yếu.

Đoạn dọc bờ kênh Hưng Long, thuộc xã Nga Tân phải xử lý nền đất yếu nhưng ba hộ dân chưa tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công vì chưa được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điều chỉnh, chưa nhận tiền đền bù, đề nghị bố trí tái định cư cho hộ dân.

Thêm nữa, có một cột điện tại Km14+650 cùng đường ống nước sinh hoạt dọc kênh Hưng Long chưa di dời. Các đoạn tuyến thi công thông thường còn lại chưa bàn giao mặt bằng, gồm: Tại nút giao xã Nga Văn, nút giao Quốc lộ 10, khu mặt bằng tái định cư thuộc xã Nga Yên và nút giao đường tỉnh 524 thuộc xã Nga Thanh.

Trên công trường thi công đường từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển thuộc huyện Nga Sơn.

Với tinh thần có mặt bằng đến đâu, triển khai thi công đến đó, đến thời điểm này liên danh trúng thầu thi công tuyến đường đạt khối lượng thực hiện gần 330 tỷ đồng, bằng 62% tổng giá trị trúng thầu xây lắp là 532,356 tỷ đồng.

Ngoài bốn cây cầu trên tuyến cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, có khối lượng thực hiện đã đạt 95% và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàn có khối lượng thi công phần đường đạt yêu cầu; còn lại các nhà thầu đều chậm tiến độ thực hiện. Đó là Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng Trường Phúc đạt 76,3%, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và đầu tư xây dựng Khánh Linh đạt 50,4%, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Xuân Hưng đạt 55,4% khối lượng công việc.

Hiện, các nhà thầu đang tập trung triển khai nhiều mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo nhận định của bộ phận điều hành dự án, với tiến độ thi công phần đường như hiện tại, khả năng các nhà thầu có thể thi công bù được phần tiến độ đã chậm để hoàn thành đúng tiến độ đã được chấp thuận trong năm 2024 (trừ phạm vi 0,728km huyện Nga Sơn đến nay chưa bàn giao mặt bằng và phạm vi xử lý nền đất yếu phải chờ lún).

Dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành vào năm 2025 nhưng trong thời gian tới Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nga Sơn không giải phóng nhanh những điểm còn vướng mắc, dự án sẽ bị chậm tiến độ cục bộ.

Hiện Ban quản lý dự án đề nghị huyện Nga Sơn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trước mắt ưu tiên giải quyết sớm các tồn tại để thi công xử lý nền đất yếu (đoạn tuyến Km14+100-Km14+700 gồm 3 hộ không cho thi công, một vị trí cột điện và đường ống nước), hộ bà Mai Thị Nhung (tại nút giao Km8+123, xã Nga Văn) và Km10+460-Km10+528 (khu mặt bằng tái định cư, xã Nga Yên) để nhà thầu hoàn thiện các đoạn tuyến còn thi công dở dang; đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt đoạn tuyến còn lại, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công.

Ban quản lý dự án cũng yêu cầu các nhà thầu thi công phần đường tập trung hơn nữa nguồn lực tài chính, vật tư, máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, thi công bù phần tiến độ đã chậm.

Nhà thầu, tư vấn giám sát và quản lý dự án trao đổi giải pháp thi công đường Vạn Thiện-Bến En.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế Vườn quốc gia Bến En và khu vực phía tây nam tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ này Thanh Hóa ưu tiên, bố trí 1.181 tỷ đồng ngân sách đầu tư thi công 12km đường Vạn Thiện-Bến En, quy mô đường cấp III đồng bằng, bảo đảm 4 làn xe lưu thông.

Đi đôi với tập trung thi công, sớm hoàn thành nút giao Vạn Thiện, bảo đảm thông xe với tuyến cao tốc bắc nam-phía đông; Ban quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu gồm liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Tổng công ty cổ phần đầu tư xây dựng Minh Tuấn, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàn và Tổng công ty đầu tư xây dựng cầu đường bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Đến thời điểm này, tổng khối lượng thi công đạt 520 tỷ đồng, bằng 80% tổng giá trị hợp đồng xây lắp. Cụ thể, 6 cầu trên tuyến đã hoàn thành đến mặt cầu; thi công hoàn thành 11,3km nền đường, 11km móng cấp phối đá dăm, 6,2km mặt đường bê-tông nhựa lớp dưới, 3,6 km mặt đường bê-tông nhựa lớp trên cùng 72 cống thoát nước và tuynel kỹ thuật, 5km rãnh thoát nước.

Dù vậy, trong phạm vi tuyến đường hiện có 3 đường điện giao chéo và nhiều cột điện, tiềm ẩn nguy hiểm cho người, phương tiện, thiết bị tham gia thi công. Hiện Ủy ban nhân dân huyện Nông Cống đang chờ Công ty Điện lực Thanh Hóa bố trí thời gian cắt điện để di chuyển trạm biến áp, phục vụ nhà thầu thi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2024.

Tác giả: MAI LUẬN

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok