Khi bị đau đầu thai phụ cần theo dõi các triệu chứng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa |
Bị tiền sản giật vì bỏ qua dấu hiệu đau đầu
PGS.TS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) cho rằng, khi mang thai rất nhiều chị em sẽ gặp phải hiện tượng đau đầu buồn nôn, đau nửa đầu, nhức đầu, chóng mặt... Nguyên nhân có thể do cơ thể người phụ nữ thay đổi, hormone nội tiết tố thay đổi dẫn tới thay đổi quá trình lưu thông máu cũng như làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể. Hoặc trọng lượng thai nhi tăng lên dần cũng làm cản trở quá trình lưu thông máu lên não và dẫn đến chứng đau nhức đầu. Bên cạnh đó, đau đầu ở phụ nữ mang thai có thể do một số nguyên nhân khác như mệt mỏi, stress, nghén, chế độ ăn uống không hợp lý…
Đau đầu tuy không phải hiện tượng bất thường, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhưng nếu trước khi mang thai ai đã thường xuyên bị đau đầu càng không thể chủ quan. Nếu huyết áp cao mà kèm đau đầu hay đau đầu kèm theo các thay đổi vị giác, buồn nôn, tăng cân đột ngột, chóng mặt… là không thể coi thường vì đấy là dấu hiệu của tiền sản giật.
Tiền sản giật là một trong bốn nguy cơ hàng đầu gây tử vong mẹ và bé. Chứng bệnh này còn được gọi là nhiễm độc thai nghén hoặc huyết áp cao do thai kỳ, xảy ra trong khoảng tuần thai 20. Cũng có khi phụ nữ gặp phải ở giai đoạn sớm hơn.
PGS.TS Lê Hoàng cũng lưu ý, khi thai phụ có hiện tượng chóng mặt, nếu gặp trong 3 tháng đầu mang thai thì có thể do chứng ốm nghén hoặc triệu chứng của bệnh huyết áp thấp. Nếu ở giai đoạn này ngoài triệu chứng trên còn kèm theo các rối loạn thị giác là biểu hiện của chứng tiền sản giật. Bởi vậy, thai phụ khi có những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay đau đầu dai dẳng cần đến bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám sớm tránh những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Theo TS.BS Lê Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM), không ít thai phụ khi có những dấu hiệu bất thường vẫn nghĩ đó là bình thường, lúc đến bệnh viện thì đã muộn. Chẳng hạn, những cơn đau đầu thường hành hạ thai phụ vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt lại chủ quan cho rằng mình bị cảm gió thông thường, trong khi đây chính là những biểu hiện của tiền sản giật. Hay có những trường hợp bị phù mà không biết rằng, họ có thể đang đối diện với hội chứng huyết áp cao trong thai kỳ.
Bệnh viện Từ Dũ đã từng tiếp nhận những trường hợp thai phụ vào viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí ảnh hưởng tính mạng vì bỏ qua dấu hiệu đau đầu dai dẳng. Mới đây, Bệnh viện đã tiếp nhận một sản phụ từ tuyến tỉnh chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết não… Được biết, bệnh nhân có thai nhưng không đi khám định kỳ, thường hay bị đau đầu. Khi thai được 8 tháng, thai phụ lên cơn co giật, hôn mê mới vội vàng đưa vào viện.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
PGS.TS Lê Hoàng khuyên, mỗi bà bầu nên tự trang bị cho mình một thiết bị đo huyết áp để kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi mang thai cần phải đến viện để được theo dõi.
Trường hợp phát hiện sớm, ở mức nhẹ, thai bị sẽ được bác sĩ điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống. Ở mức độ nặng, cần phải tới bệnh viện để theo dõi kịp thời. Bệnh nhân có thể được tiêm tĩnh mạch để hạ huyết áp hoặc steroid giúp phổi thai nhi phát triển nhanh hơn.
Theo TS.BS Thu Hà, có nhiều nguy cơ dẫn đến tiền sản giật như mang thai con đầu lòng, đa thai, thừa cân, có tiền sử về bệnh huyết áp. Phòng tiền sản giật tốt nhất là người mẹ cần điều trị tốt các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai.
Nếu có một trong những triệu chứng như đau đầu kèm những thay đổi về thị giác, đau đầu dữ dội kèm sốt, buồn nôn, tăng cân đột ngột, phù nề tay chân, mặt... cần tới bác sĩ để đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu ngay lập tức tránh hiện tượng tiền sản giật.
Để tránh tình trạng đau đầu khi mang thai, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ: - Ngủ đủ giấc, hạn chế thức quá khuya và dậy quá muộn. Lên kế hoạch cho việc ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý và cần phải thực hiện nghiêm túc vì những thay đổi trong giấc ngủ và thói quen ăn uống trong thời gian mang thai dễ dẫn đến đau đầu. - Kiểm soát được căng thẳng, không để stress, buồn bực kéo dài lâu thì những cơn đau đầu cũng sẽ biến mất. Tránh ngồi lâu, ngồi cùng một tư thế nhiều giờ. 4 Tăng cường các hoạt động thể chất hợp lý như đi bộ, thể dục nhịp điệu... giúp giải phóng căng thẳng khỏi cơ thể. Tuy nhiên, lưu ý không nên tập nặng đột ngột, hãy tập các bài tập nhẹ và từng chút một để cơ thể làm quen dần. Ngoài ra, một số bài tập thể dục còn đặc biệt hữu ích đối với cơn đau đầu như thiền, yoga… 4 Không để cơ thể rơi vào tình trạng quá đói vì chúng có thể làm giảm đường huyết dẫn tới nhức đầu. Để tránh hạ đường huyết, thai phụ cần ăn 3 - 4 giờ một lần, uống nhiều nước để đảm bảo áp lực máu. - Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đau đầu, kể cả có nguồn gốc tự nhiên khi xuất hiện các cơn đau nhức vùng đầu. Nếu mắc chứng đau nửa đầu nghiêm trọng, thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có những phương pháp trị bệnh tốt nhất. - Chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất quan trọng. Tránh ăn các thực phẩm chứa quá nhiều chất làm ngọt nhân tạo như socola, pho mát, thịt chế biến sẵn… và các chất kích thích… - Việc tắm bằng nước ấm cũng giúp làm dịu chứng đau đầu. |
Tác giả: Phương Thuận
Nguồn tin: giadinh.net.vn