Người dân Tây Ban Nha phản đối các hành động bạo lực của ETA. Ảnh: AFP |
Trong một bức thư ghi ngày 16-4 và được công bố ngày 2-5 trên báo điện tử El Diario tiếng Tây Ban Nha, ETA thông báo quyết định của tổ chức chấm dứt chiến dịch vũ trang kéo dài hàng thập kỷ qua. ETA khẳng định tổ chức này đã hoàn toàn giải thể mọi bộ phận của tổ chức này.
ETA là chữ viết tắt của tổ chức mang tên Tổ quốc và Tự do (tiếng Basque là Euskadi Ta Askatasuna) được Tướng Francisco Franco thành lập vào năm 1959. Tổ chức này hoạt động với mục đích giành độc lập cho xứ Basque (gồm một phần hiện là một khu vực bán tự trị thuộc Tây Ban Nha và một phần ở miền nam nước Pháp).
ETA bắt đầu tiến hành các hoạt động vũ trang năm 1961. Sau khi ông Phanco chết năm 1975, xứ Basque được trao quyền tự trị, có quyền thành lập Quốc hội, lực lượng cảnh sát, thu thuế và có hệ thống giáo dục riêng. Tuy nhiên, ETA còn muốn hơn thế, đòi thành lập một quốc gia độc lập.
Trong suốt 50 năm tiến hành hoạt động vũ trang, ETA đã gây ra hàng chục vụ khủng bố, bạo lực đẫm máu, khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có gần nửa là dân thường. ETA cũng nhắm vào quân đội bảo an nhà nước năm 1973 ám sát Thủ tướng Tây Ban Nha khi đó là ông Luis Carrero Blanco bằng bom mạnh đến mức đã thổi bay xe ôtô của ông này lên cách mặt đất 20m.
Năm 1987, ETA tiến hành vụ đánh bom một siêu thị ở Barcelona làm 21 người chết, đã gây phẫn nộ trong dân chúng.
Năm 1997, ETA cũng bị cáo buộc giết hại chính trị gia trẻ Miguel Angel Blanco. Vụ việc này đã tạo nên làn sóng phản đối trong dân chúng. Hơn 6 triệu người xuống đường biểu tình phản đối các vụ bạo lực của ETA khi đó.
Theo thống kê của nhà chức trách Tây Ban Nha, trong cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập cho xứ Basque, ETA đã sát hại tổng cộng 829 người, và làm bị thương hàng ngàn người, chủ yếu trong các vụ khủng bố bằng bom. Vì lẽ đó, ETA bị Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
ETA đã từng 11 lần tuyên bố ngừng bắn, song tuyên bố này đều không được thực thi nghiêm túc hoặc không đủ độ tin cậy. Cho đến năm 2011, ETA mới đồng ý chấm dứt chấm dứt xung đột vũ trang đối với chính quyền Tây Ban Nha và Pháp.
Phát biểu trên đài truyền hình Tây Ban Nha về sự kiện này, Thủ tướng Tây Ban Nha khi đó là ông Jose Luis Rodriquez Zapatero cho rằng, việc ETA phải tuyên bố chấm dứt các hành động bạo lực là kết quả những nỗ lực của tất cả các lực lượng dân chủ ở Tây Ban Nha và của các cơ quan thực thi pháp luật nước này, trong nhiều năm qua đã giáng cho tổ chức khủng bố này những đòn chí mạng. Thủ tướng Zapatero cũng đồng thời cảm ơn Chính phủ Pháp đã ủng hộ Tây Ban Nha trong các nỗ lực chống lại ETA.
Thế nhưng, mặc dù tuyên bố "chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự" hồi tháng 10-2011, nhưng ETA không chịu giải giáp vũ khí, cũng như chưa giải tán ngay theo yêu cầu của nhà chức trách Pháp và Tây Ban Nha. Phải mất gần 7 năm sau, ETA mới hoàn tất quá trình này.
Ngày 20-4 vừa qua, ETA lần đầu tiên công khai thừa nhận lỗi và cầu mong sự tha thứ vì những nỗi đau mà do chiến dịch đòi độc lập gây ra.
Trong thông cáo của ETA có đoạn viết: “Chúng tôi ý thức là, trong một thời gian dài đấu tranh vũ trang, chúng tôi đã gây rất nhiều đau khổ và thiệt hại không gì có thể bù đắp được. Chúng tôi xin nghiêng mình hối lỗi trước những người đã chết, bị thương, và những nạn nhân của những hành động của ETA”.
Trong bản thông cáo, ETA ngỏ lời trực tiếp đến những nạn nhân không có tham gia trực tiếp vào xung đột, tức là những nạn nhân chỉ là thường dân chứ không phải là dân biểu, cảnh sát…, để trực tiếp xin lỗi họ.
ETA đòi độc lập cho xứ Basque từ hàng chục năm nay. Ảnh: Getty |
Theo các nhà phân tích, chưa bao giờ tổ chức ETA lại có lời xin lỗi chân thành như thế với các nạn nhân. Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã hoan nghênh động thái này của ETA, đồng thời coi đây là “thắng lợi của Nhà nước pháp quyền”.
Trong khi đó, Hiệp hội Nạn nhân khủng bố (AVT) đã từ chối lời xin lỗi trên, coi đây là một nỗ lực của ETA để “làm nhẹ đi trách nhiệm thực sự của họ, biện minh việc sử dụng bạo lực để áp đặt chế độ độc tài và xuyên tạc lịch sử”.
“Thân nhân của các tù nhân ETA hy vọng là việc ra thông cáo xin lỗi các nạn nhân và tiếp đến là việc tổ chức này tự giải thể sẽ thúc đẩy Tây Ban Nha và Pháp thay đổi chính sách về giam cầm, để các phạm nhân ETA được chuyển về giam gần nhà, đồng thời một số người được trả tự do có điều kiện”, AFP dẫn lời đại diện của AVT cho hay.
Nhưng dù sao việc ETA tuyên bố giải tán đã loại bỏ một mối nguy đòi ly khai ở Tây Ban Nha khi mà tình hình chính trị ở xứ Catalonia vẫn còn đang nóng bỏng. Cộng đồng quốc tế và người dân Tây Ban Nha hy vọng rằng, động thái tích cực từ ETA sẽ góp phần đưa tình hình chính trị ở Tây Ban Nha sớm đi vào ổn định.
Tác giả: Thu Uyên
Nguồn tin: Báo Biên phòng