Trong tỉnh

Dấu ấn qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội

Qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho phát triển bền vững.

Bức tranh toàn cảnh về sự phát triển củaThanh Hóa. (Ảnh M.H)


Những thành quả ấn tượng

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong đó, đã sớm hoàn thành việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương; kịp thời ban hành, bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc, các quy chế, quy định của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo quyết liệt; các chỉ số về cải cách hành chính đều tăng thứ hạng so với đầu nhiệm kỳ và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước; đã khởi công xây dựng và hoàn thành nhiều dự án công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, du lịch quy mô lớn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ ca mắc COVID-19 và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước; văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng lên.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác và đạt kết quả tích cực; nhiều khuyết điểm, vi phạm trên các lĩnh vực được chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Những thành tích, kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 là rất đáng khích lệ và có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở, động lực cho việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng. (Ảnh Huy Hoàng)

Cực tăng trưởng mới của Tổ quốc

Đến nay, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cùng giai đoạn 2021 - 2023, với con số ấn tượng ước đạt 9,69% (năm 2021 đạt 9,44%, năm 2022 đạt 12,4%, năm 2023 ước đạt 7,29%); đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/TP có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước tăng cao, với tổng thu 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 132.418 tỷ đồng (vượt dự toán hằng năm); trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước). Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu nghị quyết là tăng 10% trở lên.

Với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; trong đó tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ giảm từ 33,9% xuống 31,8% và thuế sản phẩm giảm từ 7% xuống 6% (năm 2023). Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu nghị quyết là 9,6%).

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt hơn 409.000 tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã và đang đóng góp lớn cho ngân sách cùng sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh M.H)

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Những con số thống kê về hiệu quả tăng trưởng kinh tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, biến đó thành nguồn lực cho phát triển.

Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, nhằm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok