Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Vũ Tường Thụy - Giám Đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển khoa học, ĐH Hoa Sen, Phó giáo sư tại trường ĐH Nottingham, Vương quốc Anh - nói về kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở các quốc gia trên thế giới.
Cần nhịn nhận đúng về tiến sĩ
- Đề án 911 có tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước là thất bại. Theo ông, Việt Nam có thật sự thiếu tiến sĩ như Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định? Việc tiếp tục đào tạo tiến sĩ để dạy trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam hiện có cần thiết không?
- Để nâng cao chất lượng đại học Việt Nam, bao gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, việc tăng số lượng và chất lượng tiến sĩ trong các cơ sở là cần thiết. Số lượng tiến sĩ giảng dạy trong các trường đại học đương nhiên là thiếu. Bên cạnh đó, khá nhiều tiến sĩ đã được đào tạo không chọn con đường là giảng viên hoặc có giảng dạy nhưng không tiếp tục nghiên cứu.
|
Tiến sĩ cần được nhìn nhận đúng thực chất của nó, không phải bằng cấp để được tăng lương, lên chức. Tiến sĩ là người có khả năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, ứng dụng vào thực tế hay công bố những công trình, phát triển những kiến thức mới, tiềm năng ứng dụng trong tương lai. Tiến sĩ có thể làm việc trong các công ty hay giảng dạy tại trường đại học. Khi được đặt đúng vai trò của mình, xã hội sẽ không nhận thấy sự lãng phí của tiến sĩ.
Hơn nữa, các trường đại học cần được phát triển theo nhiều phân khúc khác nhau, chỉ có các trường đại học nghiên cứu mới cần tỷ lệ giảng viên tiến sĩ cao.
- ĐH Hoa Sen có nhiều tiến sĩ đi học theo các đề án như 322, 911 không thưa ông? Chất lượng các giảng viên đó như thế nào?
- Trường có khoảng 19 giảng viên của Hoa Sen theo chương trình này, đa số đã về và đóng góp tốt cho công tác đào tạo.
- Theo ông, Việt Nam nên đầu tư đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài hay trong nước?
- Tôi cho rằng không nên đặt nặng vấn đề đào tạo ở đâu. Đào tạo tiến sĩ là quá trình rèn luyện phát triển nhiều kỹ năng và kiến thức mới, với tính cam kết cao của nghiên cứu sinh. Họ cần một người thầy hướng dẫn giỏi và thích hợp. Họ cần một môi trường nhóm nghiên cứu để tìm ra những kiến thức mới hay phát triển những công nghệ mới.
Với tiêu chí này, Việt Nam cũng có những người thầy như vậy nhưng không nhiều. Một hạn chế khác là mặt bằng chung về uy tín và khả năng của các trường đại học ở Việt Nam còn thấp nên bằng tiến sĩ ở Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thế giới.
Với những lĩnh vực chưa mạnh, Việt Nam cần đào tạo ở các nước phát triển như đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, họ sẽ thu hút các nghiên cứu sinh làm việc với mình và dần nâng uy tín tiến sĩ được đào tạo tại Việt Nam.
- Ông Đinh Công Bằng - chuyên gia giáo dục tại Mỹ - cho rằng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách chẳng khác nào biếu không cho nước họ cả tiền và người. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
- Cá nhân tôi nhận học bổng của chính phủ Nhật để học tiến sĩ, không cần có bất cứ cam kết nào. Tôi cũng đã trải qua gần 15 năm giảng dạy và nghiên cứu ở các nước khác nhau. Tôi cũng gặp nhiều bạn nghiên cứu sinh theo các chương trình học bổng Việt Nam, rất nhiều người mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Nhiều giáo sư thu nhận sinh viên Việt Nam khác nhau, như vậy chúng ta có thể mất người ngay, nhưng sẽ được về lâu dài.
Có thể, các chương trình học bổng chính phủ Việt Nam chưa có được một số lượng nhân tài thành công đủ để nhân rộng những hạt giống. Nếu các bạn tốt nghiệp, có thể tồn tại và tiếp tục nghiên cứu ở các trường đại học phát triển, đó là điều tốt. Sự thất bại của chương trình, nếu có nằm ở chỗ nghiên cứu sinh, không thể hoàn thành chương trình nghiên cứu.
PGS Vũ Tường Thụy (áo xanh). Ảnh: NVCC. Chất lượng tiến sĩ phụ thuộc vào môi trường nghiên cứu và giáo viên hướng dẫn |
- Theo ông, đâu là các giải pháp khắc phục những điều còn bộn bề trong đề án?
- Theo tôi, Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nằm trong các dự án nghiên cứu khoa học để các trường đứng ra xin kinh phí và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn ứng viên, cấp kinh phí và chịu trách nhiệm về kết quả, kể cả các kết quả nghiên cứu khoa học và tiến sĩ được đào tạo.
Như vậy, chúng ta để các trường kiểm soát được chất lượng đầu vào. Việc tổ chức thi cử tập trung, xét duyệt, tạo thêm công việc, dùng thêm kinh phí, cũng như cơ hội tạo ra lỗ hổng của chất lượng.
Việc gắn với một hợp tác nghiên cứu khoa học giữa nơi đào tạo nước ngoài và đơn vị trong nước tạo ra sự liên tục trong nghiên cứu suốt quá trình đào tạo. Nhờ làm việc chung, nghiên cứu sinh sẽ có động lực trở về làm việc sau khi tốt nghiệp. Hiện giờ, có rất nhiều các chương trình nghiên cứu hợp tác như Newton fund (UK).
- Kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở các quốc gia khác thế nào, thưa ông?
- Tôi có kinh nghiệm tham gia đào tạo nghiên cứu sinh tại Nhật, Thụy Điển và Anh. Ở mỗi nước, có một số khác biệt nhỏ trong quy trình thủ tục để kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, tất cả giống nhau ở chất lượng nghiên cứu sinh phụ thuộc vào môi trường nghiên cứu và uy tín của giáo sư hướng dẫn.
Khi các bạn trẻ xin được học bổng từ chính phủ Việt Nam, mong muốn duy nhất là kiếm được một chỗ để hoàn thành việc học, chỉ có một số ít quan tâm đến chất lượng nghiên cứu, đề tài liên quan, hướng phát triển tiếp theo sau tiến sĩ. Do đó, khả năng không hoàn thành, hoặc hoàn thành với chất lương không cao, hoặc không tiếp tục nghiên cứu sau khi trở thành tiến sĩ chiếm số lớn.
Việt Nam cần đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút nhân tài, đào tạo nghiên cứu sinh. Đánh giá thực sự hiệu quả đầu tư qua đối sánh với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan. Bên cạnh đó thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học để đào tạo nghiên cứu sinh so với các nước đang phát triển.
Với cơ chế tự chủ mà các trường đại học thực hiện, trường có thể đóng góp trực tiếp vào các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm với nhà nước về hiệu quả đầu tư, cũng là chịu trách nhiệm về chất lượng đối với xã hội.
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn