Bước vào giai đoạn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, vấn nạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang là chủ đề được hàng vạn gia đình đặc biệt quan tâm.
Lựa chọn ngành học nào, trường đại học, cao đẳng nào dường như đang là một bài toán khó với nhiều gia đình, bởi vì cho đến nay chưa có những kết quả nghiên cứu đánh giá về nhân lực của cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhận định, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện được vai trò định hướng.
“Vấn đề thất nghiệp vừa qua là do đào tạo quá nặng về lý thuyết mà quá ít thực hành. Tôi nói thí dụ ngay như đào tạo sư phạm cũng nặng về lý thuyết, rất ít thực hành.
Thời còn công tác Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, thời gian đào tạo 4 năm thì tôi dành cho các em 1 năm để thực tập, như vậy sẽ có được kỹ năng thực tế, sớm đáp ứng được yêu cầu công việc khi tốt nghiệp.
Sinh viên ngày nay hầu hết kém về kỹ năng, muốn thay đổi điều này thì nhà trường cần phải kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động để cùng phối hợp đào tạo, tăng cường kỹ năng thực hành thì mới đảm bảo kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi tốt nghiệp.
Ở các nước họ làm rất tốt vấn đề này, vậy thì tại sao Việt Nam không làm?”, PGS. Nhĩ chia sẻ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định, nhà nước chỉ nên cấp ngân sách cho một số ngành đặc thù mà nhà nước phân công nhiệm vụ. ảnh: xuân trung.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân nhĩ, về lâu dài, nhà nước cần phải có chỉ đạo, có tổ chức mang tính hệ thống về đạo tạo phải gắn với hiệu quả cụ thể, bởi chỉ là sự nỗ lực của từng trường (như Đại học FPT, Đại học Nguyễn Trãi) thì chỉ giải quyết được vấn đề việc làm gói gọn cho sinh viên ở những trường đó.
Trong khi đó cả hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay có tới 80% thuộc hệ thống công lập vẫn đang được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau, cho nên rất chậm đổi mới.
PGS.Nhĩ bày tỏ: “Trong luật giáo dục đã nói rõ về hai hướng đào tạo đại học hàn lâm và ứng dụng.
Quan điểm của tôi là đối với hướng hàn lâm chỉ tuyển ít, khắt khe theo kế hoạch của nhà nước, chi phí đào tạo do nhà nước bao cấp.
Đối với hướng đào tạo ứng dụng phải hết sức ủng hộ các trường dám đổi mới, đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghề, kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo có hiệu quả thực chất, tức là sinh viên tốt nghiệp phải tìm được việc làm ưng ý.
Khi mà phần lớn thời gian dành cho thực hành, dành cho làm việc bán thời gian tại các cơ sở lao động được đẩy lên thì tự khắc sinh viên sẽ trau dồi được kỹ năng làm việc.
Không có làm việc thực tế mà chỉ học lý thuyết thì không bao giờ thu được kinh nghiệm và tất nhiên là sẽ rất lúng túng khi tốt nghiệp, và chẳng cơ sở lao động nào lại muốn tuyển dụng những người yếu kém kỹ năng làm việc”.
Tuy nhiên, trong thực tế thì hầu hết các trường thuộc hệ thống công lập hàng năm có số lượng tuyển sinh rất lớn, nhưng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo không đảm bảo; đồng thời công tác đào tạo cũng lạc hậu, dẫn tới tình trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan.
Trong khi đó, hầu hết các trường tư thục dù không được hưởng những ưu ái như trường công lập lại có những nỗ lực rất lớn như Đại học FPT, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Thăng Long... để đảm bảo kết quả đào tạo đạt hiệu quả cao nhất. Thậm chí Đại học Nguyễn Trãi mới đây còn tuyên bố, đảm bảo cho hơn 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ưng ý.
PGS. Nhĩ nói thẳng: “Ngân sách Nhà nước có phải con bò sữa để cho mọi người bu vào đâu. Vừa rồi, Nhà nước đã đưa ra câu chuyện giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập, nhưng cần phải nhanh chóng mở rộng giao quyền tự chủ tới hoàn bộ hệ thống các trường công lập.
Nhà nước chỉ nên giành ngân sách cho một số ngành nghề đặc biệt mà nhà nước sẽ phân công công tác, nói cách khác là nhà nước đặt hàng các trường đào tạo theo nhu cầu của hệ thống các cơ quan thuộc khối công vụ. Còn lại những ngành khác, như kế toán – tài chính thì không hưởng chế độ bao cấp nữa.
Không thể để tình trạng 80% các trường công lập vẫn được hưởng các khoản trợ cấp, ưu đãi từ nhà nước, đào tạo tràn lan rồi gây ra nạn thất nghiệp, thế rồi chẳng có ai chịu trách nhiệm gì cả.
Chỉ còn 20% các trường thuộc hệ thống ngoài công lập thì phải tự nỗ lực để đào tạo, bị đối xử không ra gì, không được hưởng các ưu đãi như các trường công lập”.
Tư vấn đầu vào tốt sẽ giúp tân sinh viên lựa chọn ngành học phù hợp, tìm được việc làm ưng ý. ảnh: NN
Hiện nay một số trường đại học tư thục tổ chức rất tốt công tác tư vấn cho tân sinh viên, thậm chí đưa xuống các cơ quan, doanh nghiệp để tham quan, hiểu biết hơn về ngành học, đồng thời cũng có tư vấn để tân sinh viên lựa chọn ngành phù hợp.
Cần tư vấn cho tân sinh viên chọn ngành phù hợp
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ngoài những vấn đề giao quyền tự chủ ở các trường đại học, cao đẳng công lập và siết chặt chất lượng đào tạo thì Bộ Giáo dục cần phải nghiêm túc thực hiện là phân luồng giáo dục phổ thông.
“Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, ngay khi hết tiểu học là đã phân luồng, chia nhánh để học sinh theo hướng vào đại học, theo hướng vào Cao đẳng kỹ thuật hay học nghề.
Trong quá trình đó, nếu học sinh theo hệ vào đại học mà không duy trì được kết quả tốt thì bị chuyển xuống hệ dưới, và ngược lại học sinh ở hệ dưới mà có kết quả tốt thì được đưa lên hệ trên.
Ở Đông Nam Á thì Singapore cũng làm rất tốt phân luồng và dự báo nhân lực. tuyển sinh đào tạo theo ngành.
Phân luồng cũng tạo điều kiện cho học sinh và các gia đình tự đánh giá khả năng của con em mình. Nếu không đủ khả năng học đại học ngay thì có thể học nghề.
Người xưa đã dạy rằng nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, có những người làm nghề nấu ăn cũng rất giỏi được trả lương vài nghìn đô la, chứ đâu phải nấu ăn là không vinh quang”, PGS.Nhĩ nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dự báo nhân lực là một việc đòi hỏi có sự vào cuộc của tập thể Chính phủ, bởi vì riêng Bộ Giáo dục thì không thể giải quyết được.
PGS.Nhĩ bình luận: “Tôi nói nôm na là trong một mâm cơm thì có cá, có thịt, nhưng cũng phải có rau. Nếu chỉ toàn là cá với thịt thì cũng không ăn nổi đâu.
Vì vậy, Nhà nước phải có dự kiến về nguồn nhân lực, nhu cầu của các ngành để tạo sự thuận lợi cho người học và hoạt động đào tạo. Thời gian vừa rồi, chúng ta thấy thừa nhân lực ở ngành tài chính-kế toán rất lớn, đó là vì quá nhiều trường đào tạo ngành này, nhưng lại đào tạo hời hợt nên mới thất nghiệp.
Chúng ta vẫn hay nói với nhau rằng có tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhưng cần hiểu là thừa những người kém cỏi, thiếu những người có tay nghề giỏi”.
Trước thực tràng ồ ạt vào đại học một cách tự phát mà không có hiểu biết gì về ngành học, PGS. Trần Xuân Nhĩ đưa ra lời khuyên: “Trước khi đăng ký thi vào một ngành nào đó, các bạn trẻ cần phải tìm hiểu để biết về nhu cầu việc làm của ngành đó như thế nào. Đôi khi cảm nhận ban đầu chỉ là thích công việc ấy, nhưng có khi vào học rồi lại thấy không phù hợp.
Quá trình đào tạo, một số trường tư thục còn mời chuyên gia ở các doanh nghiệp cùng giảng dạy, tổ chức thi tuyển việc làm cho những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Đấy là một việc rất quan trọng nhưng lại không được chú ý ở các trường công lập”.
Tác giả bài viết: Ngọc Quang