Pháp luật

Đang ở tù, ‘bầu’ Kiên bị tố lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Đang thi hành án 30 năm tù về nhiều tội danh, ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên), bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

“Bầu” Kiên chuyển trái phép cho em gái 100 tỷ đồng?

Đơn vị tố cáo vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên– bà Đặng Ngọc Lan đến cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội là Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu (viết tắt là AFG) do ông Phạm Văn Thiệt – Chủ tịch HĐQT làm đại diện.

Diễn biến này xảy ra khi “bầu” Kiên đang thi hành án 30 năm tù tại trại giam Thanh Xuân – Bộ Công an về 4 tội danh gồm: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

AFG tố cáo vợ chồng “bầu” Kiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty này, với tài sản là 30% vốn góp của AFG tại công ty CP Bất động sản Hòa Phát – Á Châu (viết tắt là HPAC).

"Bầu" Kiên đang thụ án tù 30 năm, nay lại bị tố cáo về hành vi lừa đảo

Công ty HPAC thành lập năm 2008, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, có các cổ đông gồm: ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), công ty AFG và 2 cá nhân khác là Nguyễn Thúy Hường, Nguyễn Thúy Lan (đều là em gái ruột ông Kiên).

Sau đó, HPAC tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng. Lúc đó, “bầu” Kiên là đại diện AFG với chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Việc tăng vốn điều lệ, thực tế tính đến năm 2014, các cổ đông chỉ góp được 506 tỷ đồng, trong đó AFG được 151,2 tỷ đồng (30%), ACB 51,4 tỷ đồng (10%), bà Thúy Lan 202,6 tỷ đồng (40%), còn bà Hương là 100,8 tỷ đồng (20%).

Theo đơn tố cáo, phần góp vốn 20% của bà Hương vào việc tăng vốn điều lệ của HPAC là do bàn tay đạo diễn của “bầu” Kiên. Cụ thể, với tư cách là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty AFG, “bầu” Kiên đã chuyển trái phép hơn 100 tỷ đồng của công này này cho bà Hương, để bà này nắm 20% cổ phần.

Việc này AFG tố cáo bà Hương ra Công an TP.Hà Nội về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”, hiện đơn vị này đang trong quá trình thụ lý điều tra. Đơn tố cáo cho hay, việc “bầu” Kiên tự ý chuyển 100 tỷ đồng cho bà Hương không phải là chủ trương của công ty AFG, không có văn bản đồng ý, không có sự cho phép của HĐQT và Đại hội cổ đông của AFG.

Cuối tháng 9/2017, trong văn bản gửi AFG, bà Hương nói rõ một số nội dung: việc tham gia 20% vốn góp như trên là do “bầu” Kiên sắp xếp và bà thu xếp trả lại 100 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm.

Đơn tố cáo "bầu" Kiên

Thực tế, bà Hương dùng 20% vốn góp từ AFG để bảo lãnh nợ cho Cty Thiên Nam tại ngân hàng ACB (công ty này do “bầu” Kiên làm Chủ tịch HĐQT). Khi công ty này mất khả năng thanh toán khoản vay, ACB cũng không bán số cổ phần bà Hương thế chấp vào ngân hàng này được vì bà Hương không đồng ý.

Vợ chồng “bầu” Kiên…“ảo thuật” hàng trăm tỷ đồng

Theo AFG, giai đoạn đại diện AFG với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, “bầu” Kiên ký hợp đồng số 04 với Cty CP thương mại B&B do bà Đặng Ngọc Lan làm Tổng giám đốc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của AFG tại HPAC cho B&B.

Đáng nói, tại B&B, “bầu” Kiên làm Chủ tịch HĐQT, còn vợ ông là bà Lan làm Tổng giám đốc.

Cuộc giao dịch 30% cổ phần của AFG tại HPAC có giá trị hợp đồng là 647,4 tỷ đồng, công ty B&B phải thanh toán trước ngày 31/7/2015. Tuy nhiên B&B chỉ trả tiền cọc hơn 55 tỷ đồng, khoản còn lại thì chưa thanh toán.

Dù thế, bà Lan lại dùng tư cách đại diện cho AFG để điều hành các hoạt động của HPAC, với chức danh Chủ tịch HĐQT. Và việc bà Lan ở vị trí này, khi đó chưa được một số sở ngành liên quan tại Hà Nội công nhận, có văn bản trả lời rõ ràng.

Lúc này, HĐQT của HPAC với chủ yếu là bà Lan (là vợ) và bà Hương, bà Thúy Lan (đều là em ruột ông Kiên) đã trình Đại hội cổ đông để bán tài sản của HPAC là 16,67% cổ phần trong Cty CP phát triển đô thị V.V.

Cụ thể, giữa tháng 9/2014 bà Lan với tư cách Chủ tịch HĐQT HPAC triệp tập Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, bà Lan lại không đăng ký cho đại diện phần góp vốn của AFG tại HPAC tham dự đại hội cổ đông, vì theo luật Doanh nghiệp, nếu bà Lan đại diện cho AFG thì phải bảo vệ quyền lợi của đơn vị này tại HPAC.

Theo Điều lệ doanh nghiệp và luật Doanh nghiệp, việc bán tài sản phải được 75% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp. Bà Lan không dự họp với tư cách đại diện AFG, không biểu quyết, do đó bà Hương, bà Thúy Lan (là em ruột ông Kiên) biểu quyết bán, còn đại diện ACB với 10% góp vốn thì tỷ lệ biểu quyết bán tài sản này được nâng lên đến 85%.

Do đó, đại hội cổ đông của HPAC biểu quyết đã bán 16,67% của HPAC có trong Cty V.V cho CTy Hoa Hướng Dương, thấp hơn 1,93 lần so với giá thực tế, gây thiệt hại cho HPAC 400 tỷ đồng.

Hợp đồng kỳ lạ giữa "bầu" Kiên và vợ, là bà Đặng Ngọc Lan trong vụ việc đang bị tố cáo

Sau đó không lâu, bà Lan – Tổng giám đốc Cty B&B ký văn bản gửi AFG yêu cầu hủy hợp đồng mua bán 30% cổ phần của đơn vị này trong HPAC, (tức hợp đồng 04 như đề cập) đòi lại khoản tiền cọc 55 tỷ đồng. Cuối năm 2015, công ty Hoa Hướng Dương đã bán cổ phần vừa mua, như đề cập, với giá cao gấp 1,93 lần cho 1 đơn vị khác.

Như vậy với chiêu thức đặt cọc mua cổ phần để tham gia điều hành và triệu tập đại hội cổ đông HPAC, bà Lan đã tham gia vào quá trình gây thiệt hại 400 tỷ đồng cho công ty này.

Phần thất thoát đó có vốn góp của ACB và AFG.

Đáng nói, ông Kiên bán 30% cổ phần của AFG tại HPAC cho công ty của vợ, tức bà Lan khi chưa có sự đồng ý của các cổ đông AFG. Vì vậy, đơn vị này tố cáo ông Kiên tội “lừa đảo”.

Đặc biệt, phần lớn số cổ phần bán này được AFG thế chấp vay vốn tại ngân hàng ACB. Ngân hàng xác nhận, việc này cũng gây thiệt hại cho ngân hàng 266 tỷ đồng.

Những phi vụ mua bán lòng vòng giữa những người nhà “bầu” Kiên, có sự tham gia của ông này, đã gây thiệt hại cho nhiều phía. Do dó, AFG tố cáo “bầu” Kiên lừa đảo, khi ông này đang thụ án tù dài dằng dặc trong một vụ án khác.

Tác giả: Linh An

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok