Ý chí làm giàu hình thành khi gom đủ 'nỗi đau'
Đặng Lê Nguyên Vũ được biết đến là một trong những doanh nhân đình đám khi là nhà sáng lập, đồng thời cũng là Chủ tịch, kiêm TGĐ của Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông cũng là người đầu tiên và duy nhất được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là 'vua cà phê Việt Nam'.
Đi lên từ đôi bàn tay trắng với tham vọng 'bá chủ' trong lĩnh vực cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang dần tiến đến ước mơ đưa Việt Nam trở thành 'thánh địa cà phê toàn cầu'.
Đặng Lê Nguyên Vũ (10/2/1971) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Ảnh: Internet |
Năm 1979 ông đã cùng gia đình di cư và đến sinh sống tại miền núi M'drak (Đắk Lắk).
Năm 1981, gia đình ông Vũ bất ngờ xảy ra biến cố khi bố ông lâm trọng bệnh, hoàn cảnh sa sút. Đây là quãng thời gian tăm tối đáng nhớ nhất, ám ảnh nhất trong cuộc đời của Đặng Lê Nguyên Vũ khi ông từng tâm sự rằng đó là những năm tháng 'không bao giờ quên được'.
'Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông đi chữa bệnh'.
Cũng từ hoàn cảnh ấy đã hun đúc trong người Đặng Lê Nguyên Vũ một ý chí làm giàu mãnh liệt.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới những năm 1986, Đặng Lê Nguyên vũ lúc này còn là một học sinh phổ thông và hàng ngày phải bẻ ngô, chăm lợn, giúp mẹ đóng gạch. Dù làm nhiều công việc nhưng ông Vũ vẫn là một trong những học sinh có thành tích nổi bật.
Năm 1990, Đặng Lê Nguyên Vũ thi đỗ vào ĐH Y Tây Nguyên và để có tiền cho ông lên thành phố ăn học, mẹ ông đã phải bán lúa cũng như nhiều thứ khác trong gia đình.
Lúc này ông Vũ vừa đi học, vừa phải làm thêm để kiếm sống và cũng trong thời gian này, ông bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê.
Khi đang học năm thứ 3, ông bất ngờ bỏ học khi nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ. Trước sự việc này, mẹ của Đặng Lê Nguyên Vũ đã khóc hết nước mắt.
Thậm chí trong con mắt bạn bè, ông là một người 'không bình thường'. Nhưng với Đặng Lê Nguyên Vũ, ông đã tự ý thức được nỗi khát khao làm giàu của mình khi không chấp nhận 'ngủ trong giường chiếu hẹp và mơ những giấc mơ con'.
Đặng Lê Nguyên Vũ khát khao muốn xây dựng cho mình một 'thánh địa cà phê'. Ảnh: Internet |
Sau quyết định bỏ học, ông Vũ lên Sài Gòn và bắt đầu vào hành trình lập nghiệp. Chú của ông dù thấu hiểu được nỗi khát khao của người cháu nhưng vẫn khuyên ông nên 'học xong đi đã'.
Khi được ngồi trên máy bay, 'lần đầu bay trên bầu trời tôi đã sớm có ước mơ được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng', ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng trải lòng trên Tuổi Trẻ những năm 2004.
Đặng Lê Nguyên Vũ song song cùng việc học đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê và đây cũng là hoạt động xuyên suốt quãng đời sau này của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên.
Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp cùng vợ là Lê Hoàng Diệp Thảo với việc thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột.
Những dấu mốc quan trọng đáng nhớ
Năm 1998: Trung Nguyên mở quán cafe đầu tiên tại TP HCM, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Cũng từ đó, các quán cafe nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên đã xuất hiện phổ biến trên toàn quốc.
Năm 2003: Trung Nguyên dần khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng của mình sau khi phát triển thành công thương hiệu cafe hòa tan G7.
Năm 2005: Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cafe lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương do bà Lê Hoàng Diệp Thảo (TGĐ Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đứng tên). Sau 6 tháng tranh chấp vợ chồng đến ngày 21/4/2016, ông Vũ đang sang lại tên mình.
Đặng Lê Nguyên Vũ từng bước thực hiện tham vọng của mình. Ảnh: Internet |
Năm 2006: Ông Vũ thành lập hệ thống chuỗi cửa hàng G7 Mart - mô hình siêu thị kiểu mới với mức đầu tư lên đến 475 tỷ VNĐ cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ.
Dù vậy, hướng đi này đã gặp thất bại chỉ sau 5 năm và đến năm 2011, G7 Mart được chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản, nhưng cũng gặp thất bại sau 4 năm.
Năm 2019: Trong buổi ra mắt thương hiệu mới của Trung Nguyên Legend nhân dịp kỷ niệm 22 năm thành lập, toàn bộ hệ thống của Trung Nguyên đã được thay đổi từ logo đến màu sắc, thương hiệu và cách thức vận hành.
Đối với riêng chuỗi cafe Trung Nguyên, diện mạo thay đổi và được tách làm 2 ngạch riêng biệt gồm Trung Nguyên Legend và chuỗi E-coffee. Hiện tại, chuỗi Trung Nguyên E-Coffee đã có 600 cửa hàng và hơn 1000 hợp đồng được ký mới trên khắp các tỉnh thành cả nước.
Bước ngoặt cuộc đời và cuộc ly hôn nghìn tỷ
Trong suốt quãng trình gây dựng sự nghiệp của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ là cái tên được truyền thông đặc biệt chú ý và dư luận quan tâm sau vụ ồn ào ly hôn nghìn tỷ với vợ cũ Lê Hoàng Diệp Thảo.
Một trong những bước ngoặt dẫn đến chuỗi ồn ào này chính là quyết định đi M’drăk để thiền định trong thời gian 49 ngày của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Vụ ly hôn giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo từng tốn không ít giấy mực của báo giới. Ảnh: Internet |
Vợ cũ ông Vũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng hiếm hoi tiết lộ với truyền thông rằng sau khi đi thiền định trở về, ông Vũ đã đưa cho bà một tấm hình ghép trong đó có cảnh ông đứng ở vị trí trung tâm, xung quanh là Đức Chúa, Đức Phật và các vĩ nhân khác. Ông cho biết đó là điều mà ông nhìn thấy sau 49 ngày thiền định.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng cho biết dù bà đã cố gắng giải thích cho ông rằng đó chỉ là ảo giác do nhịn ăn quá lâu và tìm mọi cách đưa ông đi chữa bệnh nhưng ông giận dữ cho rằng bà chỉ là 'vật cản' trên con đường 'thống ngự thế giới' của ông.
Những câu nói để đời của Đặng Lê Nguyên Vũ về hành trình khởi nghiệp. Ảnh: Internet |
Sau đó bà Thảo bị đẩy ra khỏi Trung Nguyên, ông Vũ giao phó cho một nhóm quản lý và thương hiệu Trung Nguyên cũng bị đổi thành Trung Nguyên Legend.
Vào tháng 5/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, VP Tỉnh ủy Bình Dương và đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016.
Giấy chứng nhận kinh doanh này đã được thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ và kết quả giải quyết của TAND tối cao tại TP HCM đã chấp thuận yêu cầu của bà Thảo.
Trong khi đó phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký DN của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH và chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 21/3/2018, TAND TP HCM đã chấp nhận yêu cầu của ông Vũ.
Sau hơn 1 tháng tiến hành xét xử và nghị án, chiều ngày 27/3/2019, TAND TP HCM đã đưa ra phán quyết về vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Phía bà Thảo không còn tư cách cổ đông tại Trung Nguyên và bất cứ công ty nào tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Các con đều giao cho bà Thảo chăm sóc và nuôi dưỡng, ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng mỗi năm tính từ năm 2013 cho đến khi học xong ĐH.
Bỏ qua những ồn ào về vụ ly hôn từng tốn nhiều giấy mực của báo giới, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn được xem là một trong những người truyền cảm hứng về ý chí làm giàu, khởi nghiệp và tinh thần vươn lên trong cuộc sống đối với giới trẻ.
'Tôi và Trung Nguyên muốn góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt - có khát khao vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ', ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng tâm niệm.
Cũng chính bởi lẽ đó mà trong suốt cuộc hành trình chinh phục giấc mơ tạo cho mình một 'thánh địa cà phê toàn cầu', ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ dừng lại, bởi với ông 'kinh doanh không phải là chuyện mua bán tầm thường mà đó là sự thu phục nhân tâm'.
Tác giảm: Mai Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn