Trong nước

Đảng ban hành “4 trụ cột” quan trọng để đưa đất nước vươn mình

Sáng 18/5, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là “4 trụ cột” quan trọng để đưa đất nước vươn mình.

Phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.

Tổng Bí Thư Tô Lâm nêu rõ những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (đã được quán triệt học tập); Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị diễn ra sáng 18/5.



Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh, 4 nghị quyết này là “bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước cất cánh: “Bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Các đồng chí đã nghe quán triệt những nội dung chi tiết, giờ tôi xin điểm lại những tinh thần cốt lõi nhất cửa các nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau, muốn đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta phải triển khai tốt đồng thời các nghị quyết”.

Tổng Bí thư nêu cụ thể: Thứ nhất, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã ra đời, thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta. Trên tinh thần đó, Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cải cách mạnh mẽ, bao gồm: Hoàn thiện thể chế: Bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định. Khơi thông nguồn lực: Mở rộng tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ cho khu vực tư nhân; tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn thể chế và chính sách. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tham gia sâu vào mạng lưới sáng tạo và chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại: Không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến cho đất nước và vươn tầm thế giới.

“Có thể nói, Nghị quyết 68 là đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”. Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Thứ hai, trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57, xác định rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nghị quyết yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ trí thức và toàn dân trong công cuộc này. Đây là cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi chúng ta phải hành động với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, không để tư duy cũ, lối làm việc hình thức, thụ động cản trở tiến trình phát triển.

Với yêu cầu đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách về vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự nghiệp phát triển đất nước; (ii) Đột phá tư duy phát triển, xóa bỏ mọi rào cản nhận thức lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; (iii) Củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của phát triển; (iv) Hoàn thiện thể chế, chủ động tháo gỡ các rào cản pháp lý, hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu “4 trụ cột” quan trọng để đưa đất nước vươn mình. (Ảnh: Media Quốc hội)



Thứ ba, Nghị quyết 66 ra đời đã xác định rõ: Đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết khẳng định, pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Tinh thần cải cách được đặt ra là: Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật: chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển; Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng; Thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp; Phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Thứ tư, Nghị quyết 59 ra đời là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn sâu sắc: hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và bản lĩnh.

Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết là: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể sáng tạo.

Nghị quyết đề ra những định hướng chiến lược toàn diện và sâu sắc như: Về kinh tế: Đẩy mạnh hội nhập gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về chính trị, quốc phòng, an ninh: Hội nhập đi đôi với củng cố quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tăng cường tin cậy chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định. Về khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường: Tận dụng hội nhập để nâng cao trình độ quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Có thể xem Nghị quyết 59 là kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc hội nhập quốc tế kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: VOV.VN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok