Điều làm cho đàn ông xấu hổ và khó chịu nhất là bị vợ chê trước mặt người khác. Tâm lý học đã chứng minh, đàn ông cũng giống như một đứa trẻ, anh ấy muốn được chứng tỏ bản thân và thích được khen ngợi. Sự thật là ai cũng thích nghe những lời bùi tai và đàn ông cũng vậy.
Ảnh minh họa |
Đàn ông vốn rất sĩ diện và lời khen sẽ khiến anh ấy được vỗ về. Khi đó, anh sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và có giá trị đối với vợ.
Lý do nữa là, đối với một người đàn ông, khi lập gia đình, điều mà anh ta mong muốn nhất là có thể đem lại hạnh phúc cho vợ con. Khi bạn khen, nghĩa là công nhận những gì anh ấy đã làm. Ai mà không vui khi công sức mình bỏ ra được thừa nhận. Từ lời khen cho anh ấy động lực để sống tốt hơn. Ngoài ra, lời khen của người vợ có thể giúp chồng ngẩng cao mặt với người ngoài. Anh ấy không chỉ được vợ công nhận mà còn được xã hội tưởng thưởng. Điều này có ý nghĩa lớn lao với đàn ông.
Nhưng làm thế nào để khen ngợi một người đàn ông mà lời khen không có vẻ giả tạo? Sau đây là những gì các bà vợ phải nắm vững khi muốn khen chồng:
Đừng nói những lời khen sáo rỗng
Nếu bạn nói với anh ta rằng anh ta là mạnh mẽ, cao lớn, thông minh, là một người nói chuyện thú vị…, anh ta sẽ coi điều đó là dĩ nhiên, sẽ không chú ý đến điều đó nữa, nhất là nếu bạn thường xuyên khen ngợi anh ta như thế. Nhưng mọi việc sẽ hoàn toàn khác nếu bạn có một lời khen đặc biệt "chỉ dành cho anh ta." Ví dụ: "Anh có một cái lúm thật dễ thương trên cằm, đến mức nhìn thấy nó là em chỉ muốn hôn!"
Không tâng bốc quá lố
Nên nhớ khen chỉ là nói quá sự thật một chút về những ưu điểm, việc tốt mà chồng đã làm hoặc chỉ cần nói đúng sự thật vào đúng lúc. Khen không phải là sự tâng bốc nói không thành có. Chẳng hạn, nếu anh chồng vốn tính lười nhác, bỗng dưng một hôm đẹp trời lại đi lau nhà thì tuyệt đối đừng khen theo kiểu: “Trời ơi, anh tuyệt vời quá, anh là người siêng nhất nhà rồi đấy”. Khen kiểu này nhất định chồng sẽ cảm thấy như bị chửi xéo (vốn lười nhất lại được khen siêng nhất). Thay vì vậy, vợ hãy thỏ thẻ thế này: “Em vừa định lau nhà thì anh đã làm giúp rồi, may nhờ có anh. Chồng em hôm nay dễ thương quá chừng chừng”.
Đừng khen theo cách có thể hiểu hai nghĩa
Ví dụ, nếu bạn nói: "Cái áo sơ mi của anh lạ nhỉ! Em thậm chí không biết rằng có những kiểu dáng như vậy ", người được khen có thể nghĩ rằng bạn đang chế giễu anh ta, cho rằng chiếc áo của anh ta xấu xí, không thời trang hoặc không hợp với anh ta, và anh ta sẽ cảm thấy bị xúc phạm! Tốt hơn hết hãy nói một cách đơn giản: "Cái áo của anh đẹp lắm, em thực sự thích màu (hoặc hoa văn) của nó!".
Khen đúng việc, không phung phí lời khen
Cần phân biệt rõ khen và nịnh là hoàn toàn khác nhau. Nịnh mang hàm ý không thật “vẽ rắn thêm chân”, còn khen mang ý nghĩa tích cực là vợ nhận ra điểm tốt của chồng, như thế mới khiến chồng phải cố gắng hoàn thiện hơn. Thật sự là chồng làm được việc (dù là nhỏ) cũng có thể vịn vào đó để khen, chứ đừng bao giờ nghĩ hễ khen chồng là tốt, chuyện gì đem ra khen cũng tốt hết đâu, tối kỵ nhất là đem khuyết điểm của chồng ra mà khen.
Tác giả: Lily
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội