Cuộc sống

Đàn ông đi chợ

Đứng cạnh tôi trong siêu thị tối hôm ấy là một người đàn ông trạc tứ tuần, nhìn cách ăn mặc có vẻ là dân công sở. Anh lấy hết hai bịch rau muống còn lại trên kệ cho vào giỏ. Nhìn hai bịch rau vàng úa gần nửa, tôi bảo anh nếu chịu khó ghé chợ (cũng gần đó) vào giờ này vẫn còn rau ngon hơn hai bịch rau siêu thị mà chắc chẳng ai thèm lấy nên mới còn đến giờ này. Anh lỏn lẻn cười: “Vậy hả chị?”

Ngày càng nhiều đàn ông đi chợ… giúp vợ (ảnh minh họa: ĐN).

Lần khác, một người đàn ông tuổi trung niên cũng đang loay hoay lựa cá trong siêu thị. Thấy tôi đến gần, anh hỏi một cách thành thật: “Chị ơi, chỉ dùm em cá diêu hồng là con nào hả chị?” Thấy tôi cười, anh gãi đầu bảo: “Vợ em dặn mua cá diêu hồng mà em chẳng biết là cá nào trong đám này…”. Mới thấy, đàn ông đi chợ dễ thương phết!

Tôi có anh bạn đảm trách phần đi chợ và nấu ăn trong khi vợ anh lo đưa đón con và các phần việc còn lại trong nhà. Anh rành giá cả đến độ chỉ cần nghe chị em nào nói chuyện giá cả mà sai là anh chỉnh ngay. Anh còn rành cả cách chọn mua và bảo quản thực phẩm khiến các bà các chị phục lăn, thỉnh thoảng lại có cô em í a í ới réo hỏi anh T. ơi cái này mua ở đâu, giá cả thế nào… Một số chị em khác lại cho rằng đàn ông kiểu này “khó xài”, tính tình nhỏ mọn, tủn mủn. Nhưng tôi lại nghĩ, chị vợ anh bạn tôi mới thật có phước, chỉ cần chị là người “xài” cũng đủ rồi, anh cần gì “dễ xài” với ai khác ngoài vợ?

Nói đâu xa, ba tôi cũng là một người đi chợ giỏi. Chẳng biết có phải vì vậy mà ông trở nên “mất phong độ” trong mắt ai đó không nhưng tôi thấy ông vẫn đáng yêu với mấy mẹ con tôi và… “lợi hại” vô cùng. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi mẹ bệnh hay có việc bận, ba tôi vẫn đi chợ nấu ăn như thường dù cách nêm nếm của ông chưa được “chuẩn như cơm mẹ nấu”.

Tôi cũng may mắn có chồng không ngại việc đi chợ, nhìn chồng về nhà với vài củ tỏi hay nhúm hành lá trên tay, tôi thấy thương chồng hơn, chẳng phải vì việc đó to tát mà vì anh ấy sẵn sàng gạt qua bên cái sĩ diện hão của đàn ông để chia sẻ với vợ cả những điều vụn vặt nhất.

Ngày nay, các siêu thị hiện đại mọc lên như nấm. Việc mua – bán cũng lịch sự và thuận tiện hơn nhiều cho cả người mua lẫn kẻ bán. Các ông đi siêu thị mua đồ không phải khó xử khi bị o ép giá, bị lừa bán hàng xấu, hàng kém chất lượng và quan trọng nhất là không phải đối phó với những ánh mắt dòm ngó như khi vào chợ, kiểu như vợ đâu sao đàn ông lại phải đi chợ thế này? Chưa kể ẩn chứa trong những câu hỏi ấy là cả sự tọc mạch về đời sống riêng tư, thậm chí suy diễn kiểu “bị… vợ bỏ” hay “gà trống nuôi con” nên mới phải tự đi chợ như thế!

Nói chuyện đàn ông đi chợ, không ít người bĩu môi, kiểu như ngữ ấy chỉ là loại đàn ông… mặc váy, đàn ông mà lựa mua từng mớ rau con cá hẳn là phải chi li tính toán đến khiếp chứ không phải dạng vừa đâu. Tôi không chắc nhận xét có phần miệt thị ấy có đúng không nhưng tôi biết chắc chắn là có những gã đàn ông không hề đi chợ nhưng vẫn keo kiệt, bủn xỉn, “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”, tiền đong gạo rót như thường, thậm chí có ông bắt vợ ghi sổ chi tiêu, tính toán từng đồng một. Hoặc giả, đàn ông mà lừa vợ dối con, thay nhân tình như thay áo hay loại đàn ông sáng xỉn chiều say như cái hũ chìm, hoặc đam mê cá độ nợ nần như chúa chổm có hẳn vì chưa từng đi chợ bao giờ mà nam tính, quân tử hơn chăng?

Thế nên, nếu bạn thấy một anh chàng nào đó lang thang trong chợ hoặc siêu thị, đừng cười nhạo mà hãy hướng dẫn họ (nếu họ cần) và chúc mừng cho ít nhất là một người phụ nữ đã có một người chồng biết quan tâm, chia sẻ!

Tác giả bài viết: Vi Lê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok