Trong tỉnh

Dân nghèo vùng giáp biên nguy cơ đói ăn sau cơn lũ lịch sử

Sau trận lũ lịch sử, các xã vùng biên trở thành đống hoang tàn. Người dân mất nhà cửa, hoa màu, khó khăn chồng chất. Và nguy cơ lớn trước mắt của người dân nơi đây chính là rơi vào cảnh đói ăn.

Cách trung tâm huyện gần 50 cây số, con đường đến Yên Khương vô cùng gian nan, vất vả bởi lên dốc xuống đèo và gập ghềnh đá sỏi. Một phần đường xuống cấp trầm trọng vì xe quá tải, một phần vì đất đá sạt lở chắn đường trong trận mưa lũ vừa qua. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tới được vùng biên Yên Khương nơi xa xôi nhất của huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)

Ruộng lúa ngổn ngang toàn đá sỏi, cây cối

Đồng bào Yên Khương chủ yếu là người dân tộc Mường và Thái, họ dựng những ngôi nhà sàn xinh xắn bên bờ suối, dưới những chân núi cao. Nhà nước đã ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá… Dường như mọi thứ đều đã đủ đầy, mức sống của người dân tuy rằng còn nhiều thiếu thốn nhưng nhìn chung vẫn yên bình, êm ả.

Dấu tích của một ngôi nhà bên sông đã bị lũ cuốn trôi

Khi trận lũ bất ngờ ập đến, những ngôi làng như Xắng, Hằng, Chiềng, Khon bỗng chốc bị phá tan tành, làng mạc trở thành bãi hoang tiêu điều, xơ xác.

Những cánh đồng lúa chín vàng chưa kịp thu hoạch sau một đêm trơ lại toàn đá sỏi, nhiều ngôi nhà sàn bên suối hứng chịu thảm họa vì bị lũ cuốn phăng chỉ còn sót lại vài cây cột nhà xiêu vẹo, con lợn, con gà…những tài sản của người dân cũng vì thế trôi theo dòng nước lũ.

Đồ đạc còn sót lại trong một ngôi nhà khác

Anh Vi Văn Phương (bản Khon, xã Yên Khương) cho biết: “Ngôi nhà giờ bị lũ cuốn xuống sông mất rồi, chẳng còn gì cả, may mà chạy kịp cứu lấy cái thân thôi. Rừng thì không có, mấy sào ruộng chưa kịp gặt cũng mất sạch, sắp tới còn không có ruộng mà làm vì bị đá sỏi lấp hết cả ruộng. Không biết phải làm gì để có cái ăn cho vợ con nữa".

Những gì người dân còn nhặt nhạnh lại được của một ngôi nhà sau khi bị lũ phá tan

Từ bản xuống thị trấn cách những gần 50 cây số, để có phương tiện đi lại, anh Ngân Văn Hành (bản Xắng, xã Yên Khương) đã phải tích cóp lắm mới mua được chiếc xe máy. Ấy thế mà, đợt lũ vừa rồi cũng cuốn mất chiếc xe trị giá gần 30 triệu đồng của gia đình anh.

"Khi lũ đến quá nhanh, tôi chỉ kịp lôi vợ con chạy, còn tài sản thì không kịp di dời được gì cả. Nhìn mọi thứ bị cuốn đi quá nhanh, đau xót lắm nhưng cũng đành chịu. Bây giờ phải lo làm sao để dựng lại tất cả đây".

Nhà anh Chiến không còn gì để ăn trong những ngày tháng tới

Còn anh Lò Văn Thống (bản Yên Lập) cứ tiếc hùi hụi chiếc máy bừa, anh cho biết: "Chiếc máy bừa là cần câu cơm của cả nhà, để bừa thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Hôm lũ đến, tôi không nghĩ là nó lớn đến thế, chỉ mang cả nhà đi tránh lũ tạm thời. Khi trở về thì thấy chẳng còn gì sót lại nữa, giá trị lớn nhất là chiếc máy bừa mua 12 triệu, tôi tiếc lắm".

Hàng trăm gia đình ở Yên Khương cũng lâm vào tình cảnh khốn cùng tương tự. Giờ đây, họ trở thành những kẻ bơ vơ không nhà, không tài sản, không biết sống tiếp như thế nào trong những ngày tháng tới.

Ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho biết: "Trận lũ do áp thấp vừa qua đã khiến cho địa bàn Yên Khương thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Toàn bộ cơ sở hạ tầng đều bị đánh sập, cho đến nay hơn 50 cột điện hạ thế và trung thế bị gãy đổ chưa khôi phục được khiến toàn xã đang bị mất điện. Hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và nhiều nhà khác bị hư hỏng.

Ngoài ra rất nhiều trâu bò, lợn gà, tài sản của các gia đình cũng lũ cuốn. Toàn bộ diện tích lúa chưa thu hoạch bị mất trắng do đất đá vùi lấp. Theo ước tính của xã thì thời điểm hiện tại có khoảng 317 hộ dân có nguy cơ thiếu đói".

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

ok