Dự án khu biệt thự sau 15 năm vẫn chỉ là bãi đất trống |
Ồ ạt chặt cây chắn sóng cho dự án
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, dột nát nhưng không dám xây dựng, sửa sang gì. Bởi họ luôn thấp thỏm lo Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn - Nam Sầm Sơn có thể lấy đất bất cứ lúc nào, dù dự án 15 năm nay vẫn “án binh bất động”.
Bà Viên Thị Hà (54 tuổi, thôn 2, xã Quảng Hùng) bức xúc: “Nhà tôi có 7 người chung sống, chờ dự án nên không dám sửa sang gì, vì sợ sửa xong dự án lấy đi mà không được đền bù. Hiện tôi chỉ cất tạm thêm mái kè ở bên lấy chỗ sinh hoạt, mùa mưa thì dột ướt hết nhà cũng chỉ mang áo mưa lên che chắn. Chúng tôi kiến nghị, nếu dự án thực hiện thì kiểm kê giải phóng sớm, còn không thì thông báo cho người dân yên tâm sinh sống”.
Theo bà Hà, khoảng hơn chục năm trước, có một công ty đến cam kết với gia đình bà và các hộ gia đình có trồng cây nằm trong diện tích đất giải phóng là sẽ đền bù 6.500 đồng/cây. Thấy vậy, các hộ gia đình chặt hết cây lớn cây nhỏ để kiểm kê, nhưng từ đó đến nay, chẳng ai nhận được tiền đền bù cây.
Căn nhà xập xệ của gia đình bà Viên Thị Hà nằm trong dự án không dám sửa chữa |
Chỉ tay về khu đất trống còn lưa thưa vài cây phi lao, ông Lưu Văn Hồng (60 tuổi, thôn 2) cho biết: “Trước kia, toàn bộ khu đất này cây được trồng khắp nơi, phủ kín cả khu vực ven biển. Sau đó, thấy chính quyền xã có thông báo là một dự án xây biệt thự ở đây, có tính toán kiểm đếm hẳn hoi, nói nhà tôi chỉ có căn nhà tạm và ít cây thông trồng ven biển, nên được đền bù với số tiền 11 triệu đồng. Cây thì đã chặt rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai chi trả tiền. Những mầm cây ngày trước chặt hạ giờ đã cao chót vót. Nếu không chặt hạ thì giờ ở đây bạt ngàn cây chắn sóng không lo mưa bão”.
Được biết, dự án Khu biệt thự Hùng Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận đầu tư từ năm 2004 với tổng diện tích 26,09ha, trong đó diện tích đất thu hồi tại xã Quảng Hùng là 23,3ha và xã Quảng Đại là 2,79ha, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 95 hộ. Chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (gọi tắt là Công ty Văn Phú).
Ngày 29/7/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao cho Công ty Văn Phú 130.000m2 tại xã Quảng Hùng để thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu biệt thự. Ngày 12/11/2013, UBND tỉnh có quyết định giao tiếp cho công ty này 80.768,5m2 để thực hiện xây dựng đường giao thông vào dự án. Như vậy, qua hai quyết định giao đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho Công ty Văn Phú để thực hiện dự án.
Thế nhưng thực tế, PV Báo Giao thông ghi nhận cả hàng chục ha đất ven biển vẫn bỏ hoang, đường vào khu biệt thự vẫn là con đường đất gập ghềnh “ổ voi, ổ gà”. Khu nhà ở của dân do không được đầu tư sửa chữa đã xuống cấp trầm trọng, sập bất cứ lúc nào, mồ mả vẫn chưa được giải tỏa.
Vì sao dự án chậm triển khai không bị thu hồi?
Trụ sở Ban quản lý dự án Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn ở xã Quảng Hùng cửa đóng then cài |
“Theo quy định của Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.” |
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao dự án này chậm tiến độ, ông Nguyễn Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng cho biết: “Công ty này nói tại tỉnh chưa bàn giao hết mặt bằng sạch, trong khi tỉnh đã bàn giao hơn 13 ha. Vì đa phần diện tích đất nằm trên địa bàn xã Quảng Hùng nên bà con nhân dân cũng kiến nghị nhiều lần lên xã và chúng tôi cũng đã có văn bản gửi TP Sầm Sơn đề nghị thu hồi đất, giao cho công ty khác. Bởi cứ lấp lửng như thế này, người dân muốn xây sửa nhà cửa cũng sợ khi đất bị thu hồi sẽ không được đền bù”.
Trước vấn đề tại sao dự án đã giao đất vẫn không triển khai suốt một thời gian dài mà không bị thu hồi, ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, do công tác sáp nhập địa giới hành chính và dự án kéo dài, cán bộ quản lý dự án thời đó giờ đã nghỉ hưu nên mãi đến năm 2017, TP Sầm Sơn mới tiếp cận được các hồ sơ liên quan đến dự án. Theo thống kê thì diện tích đã GPMB là 21,77ha; diện tích chưa GPMB còn 4,32ha. Phần diện tích chưa có quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường GPMB là 0,1ha.
“Sau khi có kiến nghị thì TP Sầm Sơn đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT nghiên cứu để trình UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất nhưng lại không có cơ sở vì nhà đầu tư cũng có phân kỳ đầu tư để trình Sở Xây dựng thực hiện ở phần GPMB. Hiện nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư và xin UBND tỉnh triển khai thi công các hạng mục nằm trong phạm vi đã GPMB và bàn giao trong tháng 9/2019”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tác giả: Phúc Tuấn
Nguồn tin: Báo Giao thông