Dự án Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ (tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô 1,2 ha, công suất thiết kế 15.000 m3 nước/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 14 xã vùng trũng của huyện Nông Cống.
Dự án thi công ì ạch
Theo quyết định phê duyệt, Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ khởi công xây dựng quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019. Nhưng đến nay đã hơn 3 năm, dự án đang để lại nỗi thất vọng cho người dân. Ghi nhận thực tế vào tháng 4-2022, dự án mới chỉ hoàn thành san lấp mặt bằng, đào vài bể chứa nước, nhà điều hành xây dang dở.
|
Nhà máy nước hơn 400 tỉ đồng thi công dang dở rồi “đắp chiếu” hơn 3 năm qua tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa |
Ông Ninh Văn Hợp, ngụ xã Thăng Thọ, cho biết gia đình ông là 1 trong 47 hộ dân có đất thu hồi phục vụ dự án, khi có chủ trương, gia đình ông và người dân trong xã rất đồng tình ủng hộ, vì đây là dự án thiết thực, giúp cư dân có nguồn nước hợp vệ sinh để dùng. "Gia đình tôi có 2 sào đất lúa giao cho dự án, những tưởng sẽ sớm có nước sạch để dùng. Nhưng nay đã hơn 3 năm, nhà máy vẫn ì ạch, chẳng biết khi nào dân mới có nước sạch để dùng. Chúng tôi đã kiến nghị địa phương rằng nếu dự án không tiếp tục thực hiện thì nên thu hồi, chứ để đất đai như thế lãng phí lắm" - ông Hợp nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ xã Công Liêm, cho biết 14 xã là vùng chiêm trũng, hễ mưa lớn là ngập lụt, đa phần người dân nơi đây dùng nước mưa để nấu ăn, còn tắm giặt vẫn phải dùng nước giếng khoan. "Nguồn nước ngầm ở nhiều xã hiện ô nhiễm, nên chúng tôi rất kỳ vọng về nhà máy nước sạch này. Họ hứa chỉ trong 1 năm là nhà máy đi vào hoạt động, giờ chẳng thấy nhà máy đâu cả" - bà Tâm nói.
Ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ, cho biết hiện dự án đang dừng thi công, chẳng biết khi nào mới hoàn thành. Xã hiện có hơn 5.000 nhân khẩu, bà con và địa phương mong muốn nhà máy đẩy nhanh quá trình xây dựng. Vừa qua, huyện có về khảo sát, công ty hứa tới đây sẽ thi công trở lại nhưng hiện vẫn chưa thấy làm gì cả. Dự án chậm tiến độ khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương cũng bị vướng, "đứng hình", bởi trong tiêu chí phải có nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh mới được công nhận.
Theo thống kê của UBND huyện Nông Cống, 14 xã vùng trũng có khoảng 70.000 nhân khẩu, hiện chưa có bất cứ công trình nước sạch nào được triển khai tại đây. Trong đó, một số xã như Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình, Tượng Văn... thuộc vùng triều nhiễm mặn, rất khó khăn về nước sạch lúc hạn hán, khi lụt lội.
Hứa từ năm này sang năm khác
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy Nước sạch Thăng Thọ được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 2-1-2018, có 14 xã được thụ hưởng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, đến ngày 5-4-2018, dự án điều chỉnh phạm vi cấp nước còn 10 xã. Hơn 1 tháng sau, dự án lại tăng lên 19 xã - gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn. Hơn 2 tháng sau, dự án tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỉ đồng, tăng quy mô lên 3,5 ha, tăng công suất lên 30.000 m3 nước /ngày đêm.
Đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000 m3 nước. Tại biên bản làm việc ngày 23-10-2020 với UBND huyện Nông Cống, đại diện chủ đầu tư cam kết dự án sẽ được thực hiện từ tháng 11-2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2021. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa hão.
Dù chậm tiến độ nhưng ngày 21-1-2021, dự án lại được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định tăng tổng vốn đầu tư lên 455 tỉ đồng. Tại quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9-2021 phải hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động. Chủ đầu tư cũng đã có cam kết hoàn thành đúng thời hạn nhưng vẫn như các lần trước, đơn vị này tiếp tục thất hứa, dự án vẫn "trùm mền" cho tới nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết dự án chậm tiến độ quá lâu, huyện đã nhiều lần thúc giục nhà đầu tư sớm thực hiện, nếu không sẽ báo cáo tỉnh có phương án xử lý. "Từ đầu năm tới giờ, chúng tôi đã 2 lần phát văn bản mời đại diện doanh nghiệp tới làm việc nhưng họ cáo bận do dịch bệnh. Nhưng trong văn bản trả lời, họ hứa sẽ cho triển khai dự án trở lại vào đầu tháng 4-2022 mà tới nay chưa thấy đâu. Huyện rất sốt ruột nhưng dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh" - ông Quân nói.
Cũng theo ông Đồng Minh Quân, nếu thời gian tới đây, dự án không thi công sẽ báo cáo tỉnh cho dừng đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư mới, đồng thời sẽ kiến nghị điều chỉnh quy mô dự án, chuyển một số xã sang các nhà máy nước khác để dân sớm có nước sạch dùng. "Dự án chậm không những lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bởi nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, không có nước sạch thì sẽ không thực hiện được" - ông Quân cho hay.
8 năm, dự án nước sạch 80 tỉ đồng vẫn dang dở Ngoài dự án nhà máy nước trên, tại Thanh Hóa còn có một dự án nhà máy nước khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đó là Nhà máy Nước sạch Cẩm Vân tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư, xây dựng vào tháng 3-2014 nhằm cấp nước cho gần 20.000 người dân 2 xã của huyện Cẩm Thủy và xã Yên Lâm, huyện Yên Định. Nhà máy có công suất thiết kế 2.250 m3 nước/ngày đêm, tổng mức đầu tư hơn 80 tỉ đồng. Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ là 66,83 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 13,2 tỉ đồng. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, tháng 3-2018, nhà máy xây dựng xong và đi vào hoạt động. Nhưng tới nay, dự án vẫn thi công dang dở. |
Tác giả: Thanh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động