Hoang mang khi nhận thiệp hồng
Suốt hai tháng nay, chị Dương Thị Huệ (một nhân viên tạp vụ văn phòng tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội) luôn trong tình trạng “viêm màng túi”.
Chị Huệ cười như mếu, bởi lý do tiền “đội nón ra đi” chẳng phải ốm đau hay chi công to việc lớn gì, mà là đi ăn đám cưới. Tháng trước, chị có 5 đám cưới, tháng này cũng 4 đám. Cuối năm nay họ hàng, bạn bè em cưới liên tục.
Đám cưới nào thân cận, tiền mừng mất “một tờ xanh”. Đám cưới nào họ hàng xa, chị cũng phải có 300.000 đồng bỏ phong bì mới đẹp mặt. Vị chi mỗi tháng tốn ít nhất 2 triệu đồng tiền mừng đám cưới.
Mùa cưới, dân công sở nào cũng quay cuồng vì lo tiền mừng đám cưới. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, lương tạp vụ của chị chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chị Huệ đã nảy ra ý tưởng chạy xe ôm công nghệ.
Công việc tạp vụ kết thúc lúc 9h sáng, sau đó chị chạy xe ôm đến trưa lại quay trở về văn phòng dọn dẹp rốn ráng mấy việc linh tinh rồi tiếp tục chạy xe đến 4h chiều.
Chị không muốn kiếm một công việc khác thu nhập tốt hơn vì sợ gò bó thời gian, không thể đưa đón con cái đi học. Với công việc tạp vụ và chạy xe ôm này, mỗi tháng tổng thu nhập của chị Huệ khoảng 7, 8 triệu đồng.
“Lương thấp, cứ mỗi lần nhận thiệp mời đám cưới là thấy hoang mang lắm. Đi thì xót mà không đi thì không xong.
Cứ tháng nào nhiều đám cưới là tiền lương tháng đó bị “âm”. Nhận lương nghĩ tới các khoản phải chi tiêu mà muốn trào nước mắt. Cả nhà phải tiết kiệm triệt để, dành tiền mừng đám cưới”, chị Huệ giãi bày.
“Lính mới” run như cầy sấy, chỉ mong sếp không nhớ mặt
Dù không quá chi li, tính toán nhưng mừng đám cưới bao nhiêu vẫn luôn là câu chuyện cực kỳ “hại não” trong mùa cưới. Anh Nguyễn Văn Khánh, một dân công sở tại Q.Tây Hồ, Hà Nội cười như mếu khi nhận được 10 tấm thiệp hồng trong một tháng.
Dù không tính toán chi li nhưng mừng cưới bao nhiêu luôn là câu chuyện "đau đầu". Ảnh minh họa. |
“Mừng đám cưới ở thành phố hay làm ở nhà hàng, mừng hẻo cũng phải 300 – 500.000 đồng. Bạn bè, đồng nghiệp thân thiết là cầm chắc mất tiền triệu. Hôm trước đi ăn cưới, hôm sau về gặm mỳ gói, hoặc ăn xôi cho chắc dạ, đỡ tốn tiền ăn trưa tại văn phòng. Cũng may không mất tiền thuê nhà, không thì không biết phải xoay xở thế nào”, anh Khánh cho hay.
Theo cảm nhận của anh Khánh, với những cử nhân mới ra trường, đồng lương thấp hơn cả công nhân thì “thiệp hồng trao tay” mới thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Bởi họ cần đẹp mặt, đàng hoàng để giữ mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè. Anh Khánh đã từng nghe cậu cử nhân trẻ măng đang thời kỳ tập sự giở ví đếm đi đếm lại những đồng tiền cuối cùng sau khi nhận được tấm thiệp mời cưới ở cơ quan.
Ở cơ quan có lệ cứ đồng nghiệp cưới là mừng “đồng giá” 500.000 đồng, nên cậu cử nhân kia dù mới vào cơ quan cũng không dám mừng kém.
Có hôm cậu “chỉ mong mọi người chưa nhớ mặt em là thằng nào để mời cưới”. Tiền mừng đám cưới, tiền thuê nhà, điện nước, tất cả quay như chong chóng với đồng lương còm cõi.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn