|
Các hạng mục xây dựng đã hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm |
Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009. Sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng các hạng mục như: Nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác. Đến cuối năm 2010, các hoạt động tại dự án này dừng lại. Đến nay, nhiều hạng mục được xây dựng bị hư hỏng, nhiều nơi thành bãi chăn thả trâu bò, ao thả cá.
|
|
Theo UBND huyện Ngọc Lặc thì tại dự án này, 206 hộ dân tại 4 thôn của xã Thúy Sơn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Người dân đã bàn giao đất ở, đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng xây nhà máy nên không còn đất để canh tác...
|
Sau nhiều năm dừng thi công, đầu năm 2021, chủ đầu tư Nhà máy xi măng Thanh Sơn có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị nâng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm, gấp gần ba lần công suất ban đầu.
Tuy nhiên, hơn 700 ý kiến từ các hộ dân của 5 thôn sinh sống quanh dự án đã không đồng ý tiếp tục cho xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn.
|
Tại văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, UBND huyện Ngọc Lặc kiến nghị: "Không xem xét điều chỉnh công suất nhà máy; có hướng xử lý thu hồi dự án do vi phạm tiến độ đầu tư và các quy định pháp luật; bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại khu vực trên, đề xuất điều chỉnh quy hoạch thành đất công nghiệp thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường..."
Nhiều khu vực trong dự án trở thành bãi chăn thả trâu bò, ao thả cá. |
Thống nhất chủ trương dừng triển khai thực hiện dự án, Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng triển khai thực hiện dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn. Trên cơ sở đó, sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại của dự án.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Tiền phong