Giữa trưa ngày hôm nay (5/4), hàng trăm người dân thôn Xử Nhân đã ra tổ chức đưa tiễn 4 em học sinh tử nạn về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Nhuốm màu nước mắt
Những ngày đầu tháng 4, cái nắng như đổ lửa soi chiếu đến từng ngôi nhà, góc phố của mảnh đất xứ Thanh cằn cỗi. Tại một vùng quê yên bình bên dòng sông Chu, một vụ đuối nước thương tâm đã khiến 5 mạng sống phải bỏ lại. Buồn hơn là, 5 sinh mệnh bé nhỏ mới chỉ vừa chớm bước qua cấp Tiểu học. Khi vừa đặt chân vào mái trường THCS không lâu, các em gặp nạn, bỏ lại một tương lai đầy hứa hẹn.
Mặc tiết trời nắng gắt, hàng trăm người dân vẫn xắn tay áo để hỗ trợ công tác an táng cho gia đình em Lê Bảo T. |
Trong số 5 em học sinh tử nạn có tới 4 em ở thôn Xử Nhân, 1 em ở thôn Phú Điền. Trưa 5/4, dòng người đưa tiễn các em kín cả một con đường. Chìm trong không khí tang thương, nhiều người đã bật khóc khi nghĩ về những đứa trẻ còn đang độ tuổi cắp sách.
Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ với mái ngói đỏ phủ đầy rêu phong của em Lê Bảo T. từng là nơi đầy ắp tiếng cười, nhưng giờ đây, nó đầy lạnh lẽo với mùi hương giăng kín.
|
Bà Lê Thị Hùng, bà ngoại của T. tay run run, khẽ vuốt nhẹ những bức hình thuở ấu thơ của T. |
Từ biết tin cháu ngoại gặp nạn, bà Lê Thị Hùng (58 tuổi) liên tục khóc nghẹn, không thể đứng vững. Đôi tay run run, bà Hùng cố gắng vuốt nhẹ những bức hình thuở còn thơ của T., rồi nhắm chặt mắt và môi, cố không để nước mắt rơi ra. Trên tay bà, bé Lê Yến Nhi (3 tuổi, em gái của T.) tỏ ra ngơ ngác khi thấy có đông người vây kín nhà mình. Có lẽ, em vẫn chưa biết, người chị thân yêu ngày đêm ẵm mình giờ đã thành người thiên cổ.
Trên hiên nhà, chị Lê Thị Thái (30 tuổi, mẹ của T.) ngồi bệt xuống đất với đôi mắt đờ đẫn như không tin những chuyện vừa xảy ra. Giọng khàn đặc, người mẹ trẻ liên tục thều thào gọi tên con: “T. ơi, con đâu rồi, sao con lại bỏ bố mẹ mà đi hả con ơi. Sao con lại đi theo em trai rồi con ơi…”.
Chị Lê Thị Thái, mẹ của T. liên tục gào khóc tên con. |
Hỏi hàng xóm gia đình mới biết, khoảng 5 năm trước, chị Thái từng sinh một bé trai, nhưng vừa lọt lòng không lâu thì em mất. Nỗi đau đó để lại một khoảng trống vô cùng lớn cho người mẹ trẻ, và giờ đây, nó tiếp tục bị khoét sâu bởi sự ra đi của T.
Ngày mất con, bố của T. không thể về nhìn mặt vì còn đang bận bịu đi làm tại nước ngoài để lo cho gia đình. Bà Lê Thị Thự (85 tuổi, sống đối diện nhà T.) cho biết: Gia đình T. thuộc diện khó khăn của xã, năm qua, vừa thoát cận nghèo không lâu thì dịch ập đến, khiến bố T. thất nghiệp. Lo cái ăn, cái mặc bên xứ người đã khổ, anh còn phải cố gắng gửi về cho gia đình để lo cho con ăn học. Ngôi nhà cấp 4 cũ nát, trống huơ trống hoác mà mẹ con T. đang ở thực ra là của ông bà ngoại cho, chứ từ khi kết hôn, anh chị ấy chưa có gì”, bà Thự chia sẻ.
Tuổi thơ thiếu thốn
Tâm trạng đầy nặng nề, chúng tôi qua nhà em Lê Phương N. và được biết gia đình đã đưa em về nghĩa trang cách đây không lâu. Trong nhà, chỉ còn ông bác Trần Văn Hiên (70 tuổi, anh trai của ông nội N.) với đôi mắt đẫm lên nét buồn. Tuổi đã xế chiều, không thể khóc, ông chỉ biết lặng nhìn.
Ông Trần Văn Hiên kể về tuổi thơ thiếu thốn tình cảm cha mẹ của em N. |
“Tuổi thơ của N. nó khổ lắm, mới 1 – 2 tuổi bố mẹ đã ly thân, chẳng còn dành nhiều tình thương cho nó. Đến năm lên lớp 1, bố mẹ chính thức ly dị, nó về ở với bố và ông bà nội, sau đó thì có mẹ kế. Mẹ nó, đi biền biệt trong Nam, lấy chồng và có gia đình mới. Ở nhà, nó là đứa cháu mà tôi quý, vì nó ngoan, biết nghe lời, và giúp đỡ ông bà trong việc nhà. Giờ nó đi rồi, có lẽ, ông bà nội là người đau hơn cả”, ông Hiên xúc động.
Theo lời kể của ông Hiên, sau khi biết tin con bị đuối nước, mẹ em đã đáp máy bay về để đưa tiễn con lần cuối.
Đợi từng dòng người trong thôn Xử Nhân đi đưa tang khuất dần, chúng tôi ghé thôn Phú Điền để tiễn biệt em Mai Thanh H.
Cụ Nguyễn Thị Hương, bà ngoại của em H. đau buồn kể lại: "Ăn cơm trưa xong, H. xin phép ông bà buổi chiều đi chơi với nhóm bạn cùng trường. Đến tận tối không thấy H. về nhà, tôi chạy ra cổng thì nghe hàng xóm báo là cháu bị chết đuối. Thương cho cháu nhỏ của tôi, cháu còn non dại quá".
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm hỏi, động viên gia đình em H. |
Trước đó, như Đại Đoàn kết Online đã đưa tin, vào chiều 4/4, Trường THCS Thiệu Duy không có tiết học nên 5 học sinh lớp 6 đã tổ chức ra khu vực đập tràn sông Mậu Khê để liên hoan, sau đó chụp hình.
Cuối giờ chiều 4/4, gia đình 5 em không thấy con gái về nhà nên đi tìm quanh xã. Khoảng 20h, người thân phát hiện 1 xe đạp, 1 xe đạp điện, 2 điện thoại di động, 3 đôi dép nhựa của các em để ở bờ đập tràn sông Mậu Khê thuộc thôn Thắng Long, xã Thiệu Hợp (giáp với xã Thiệu Duy) nên báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tìm kiếm nạn nhân dưới sông Mậu Khê.
Đến 11h30’ ngày 5/4, thi thể 5 em đều đã được tìm thấy và được bàn giao về cho gia đình lo hậu sự.
Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hoá, huyện Thiệu Hoá đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cũng như thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình có thân nhân gặp nạn.
Tác giả: Đình Minh
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết