Ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường (42 tuổi, ngụ TP HCM) vừa gửi đơn kêu oan đến VKSND Tối cao và TAND Tối cao, cho rằng đã bị Công an tỉnh Phú Yên bắt giam oan hơn 9 tháng, toà án huyện Sông Hinh (Phú Yên) đình chỉ xét xử vụ án "không đúng pháp luật".
"Người bị truy nã về tội trộm cắp là Nguyễn Vĩnh Tường, tôi từ nhỏ đến lớn chỉ có duy nhất tên Nguyễn Đình Vĩnh Tường. Công an bắt giam tôi mấy tháng trời ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự, cuộc sống cũng như việc kinh doanh của tôi", ông chủ một nhà hàng và salon ôtô ở Sài Gòn nói.
Ông Tường cho rằng mình bị oan. Ảnh: Quốc Thắng. |
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra huyện Sông Hinh, năm 1998, Nguyễn Vĩnh Tường cầm đầu nhóm thanh niên liên tiếp gây ra nhiều vụ trộm xe máy trên địa bàn. Vụ án được khám phá, hai người liên quan bị bắt, riêng Tường bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với bạn bè, người thân. Cuối năm 2000, cơ quan điều tra phát lệnh truy nã toàn quốc Tường.
Đầu năm 2012, trinh sát nhận được tin Công an xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm thủ tục cắt khẩu cho Nguyễn Đình Vĩnh Tường chuyển đến phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM.
Đến tháng 6/2012, ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường bị bắt khi lên ôtô đi công việc. Lúc này ông là chủ nhà hàng và đồng sở hữu một salon ôtô.
Quá trình bị tạm giam, ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường luôn khẳng định không phải Nguyễn Vĩnh Tường, bác bỏ mọi cáo buộc trộm cắp. Thời điểm xảy ra các vụ trộm ông sinh sống tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông cũng đề nghị được đối chất với người đã khai mình là kẻ trộm nhưng không được chấp nhận.
Tháng 9/2012, trong phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất của TAND huyện Sông Hinh, ông Tường tiếp tục kêu oan. Toà cho đối chất với Nguyễn Chí Lộc (người trong băng trộm) nhưng ông này khẳng định "không biết bị cáo (ông Tường) là ai". Phiên toà phải hoãn.
Hai tháng sau toà tiếp tục đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại từ đầu do "vụ án có nhiều tình tiết bất thường".
Theo HĐXX, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo buộc của VKS. Các tài liệu trong hồ sơ như quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã đều ghi tên Nguyễn Vĩnh Tường. Trong khi đó, các tài liệu do luật sư trưng ra tại tòa, từ giấy khai sinh đến giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, thì bị cáo lại có tên Nguyễn Đình Vĩnh Tường...
Cuối tháng 3/2013, TAND huyện Sông Hinh thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Tường tại ngoại. Hơn một năm sau, ngày 4/4/2014, toà ra quyết định đình chỉ vụ án vì "xét thấy đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự" theo khoản 5 Điều 107 của Bộ luật TTHS.
Ông Tường kháng cáo kêu oan, khẳng định mình không phải kẻ bị truy tố rồi "được tha" như quan điểm của TAND huyện Sông Hinh, song TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định của cấp dưới.
Ông Tường tiếp tục khiếu nại nhưng không được giải quyết. Theo luật sư của ông, TAND huyện Sông Hinh đã ra quyết định đình chỉ vụ án sai luật. Khoản 5 Điều 107 của bộ luật TTHS chỉ quy định "những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự". Còn với trường hợp ông Tường (đã bị khởi tố bị can, đã bị truy nã và bắt được) thì không thể áp dụng điều luật này.
"Với quyết định đình chỉ này, có nghĩa là, bản chất tôi vẫn là kẻ trộm, may mắn do hết thời hiệu nên thoát án tù? Trong khi đó tôi bị oan, tôi không biết gì về vụ án", ông Tường nói.
Tác giả: Quốc Thắng
Nguồn tin: Báo VnExpress