Trong nước

Đại biểu Quốc hội bàn chuyện "mua thuốc lá lậu rất dễ"

Đại biểu Quốc hội phân tích, báo cáo của Chính phủ chỉ nói tình trạng buôn lậu đã xảy ra, nhưng thực tế tình trạng này đang diễn ra sôi động trên cả đất liền và trên biển, tạo sự quan ngại rất lớn cho nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.

Bàn về nội dung kinh tế, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại cho rằng, điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra.

"Kết quả đạt được là niềm vui của cả nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội. Ai cũng nhận thấy có kết quả đó là tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, cũng như của Thủ tướng Chính phủ”, ông Cương nói.

​Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, “ưu điểm rất lớn, rất căn bản, nhưng nhược điểm cũng nhiều”. Điều dễ nhận ra trong những năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ lần này là tình trạng “trên bảo dưới không làm”. Hay nói cách khác, trong khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thì bộ máy bên dưới thờ ơ, vô cảm trong thực hiện công vụ.

Dẫn chứng về tình trạng buôn bán thuốc lá lậu, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phân tích, báo cáo của Chính phủ chỉ nói tình trạng buôn lậu đã xảy ra, nhưng thực tế tình trạng này đang diễn ra sôi động trên cả đất liền và trên biển, tạo sự quan ngại rất lớn cho nền kinh tế, song không có một cơ quan có trách nhiệm nào có con số thống kê, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, tình trạng buôn lậu đang xảy ra “rất sôi động trên biển, đất liền”, gây thiệt hại rất lớn và chưa có thống kê, trong đó một ví dụ được ông chỉ ra là về nạn buôn lậu thuốc lá.

"Bản thân chứng kiến trực tiếp từ chuyến đi thực tế một số tỉnh phía Nam, tại khu vực ngã ba thị trấn Châu Đốc (An Giang) xe máy chở thuốc lá lậu đi thành từng nhóm, chạy với tốc độ kinh hoàng", ông nói.

Ông Cương cũng nhấn mạnh đến thực tế khiến ông lo ngại là trong 3 ngày đi thực tế tại điểm nóng khu vực An Giang, ông không hề thấy bóng dáng của lực lượng chống buôn lậu.

“Tôi không phủ nhận nỗ lực và những kết quả đã đạt được của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế là muốn mua thuốc lá gì cũng có. Nếu lực lượng chức năng không đẩy mạnh chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng”, ông nói.

Ngoài vấn đề liên quan tới chống buôn lậu, ông Cương cũng cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lại đang có hiệu ứng ngược, thậm chí thực chất là “kích cầu cho thuốc lá lậu” bởi giá thuốc lậu chỉ 4.000 đồng một bao trong khi sản xuất trong nước phải lên tới 10.000 đồng.

Phản hồi lại thông tin trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết với đặc điểm biên giới dài hơn 120 km, An Giang vào mùa nước nổi nên việc kiểm soát, kiểm tra và chống buôn lậu thuốc giá thời điểm này gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Tuyết, vấn đề được đại biểu Cương phản ánh ở trên chỉ mang tính thời điểm và thực tế, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh vẫn đang "kiểm soát, kiểm tra ngày đêm".

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok