Hôm nay, 19-6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc cuối cùng với nội dung chủ yếu là biểu quyết thông qua một số dự án luật quan trọng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chủ đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII Lê Nam (Thanh Hóa), người từng có những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, nói: “Bấm nút mỗi ĐB có mỗi khác biệt. Bản thân tôi là người tâm huyết, trăn trở với việc làm ĐBQH. Tôi nghĩ phải nghiên cứu để hiểu biết về nội dung mà mình bấm nút”.
Có khi bấm nút bằng… niềm tin
. Phóng viên: Vậy yếu tố nào quyết định tới việc bấm nút của ĐB, thưa ông?
+ Ông Lê Nam: Sự hiểu biết rồi mới đến bản lĩnh và ý thức nọ, ý thức kia. Tôi là dân luật nhưng không phải bất cứ vấn đề gì tôi cũng tường tận. Phải nói thật là vậy.
. Vấn đề nào khiến ông khó khăn nhất khi bấm nút?
+ Ngân sách. Thực tình phải tin vào Chính phủ và giải trình của cơ quan thẩm tra của QH. Ngân sách số đông các ĐB chắc là không hiểu nhiều, hiểu cặn kẽ. Bản thân tôi đã cố gắng nhưng do kiến thức về tài chính ngân sách có hạn, tài liệu thì nhiều mà có khi lại gửi chậm… Tôi nghĩ có nhiều trường hợp bấm nút bằng sự ủy thác, bằng niềm tin. Chắc nhiều ĐB cũng như vậy.
. Ông có bị giằng xé khi bấm nút không?
+ Có! ĐB chắc rất nhiều người cũng bị giằng xé giữa cái tôi và cái ta, giữa địa phương và trung ương, giữa cái chung và cái riêng. Nhưng rồi cuối cùng phải lựa chọn và chấp nhận hệ quả của lựa chọn ấy. Trăn trở cũng là vì vậy.
Bởi lẽ bản lĩnh của ĐB là có dám phản biện không khi giữa hội trường 500 người ấy phần đa số là bấm nút đồng ý.
Tại nghị trường Quốc hội khóa XIII, ông Lê Nam là một trong các đại biểu có những phát biểu thẳng thắn về những vấn đề nóng của đất nước. Ảnh: CL |
Biết trước sẽ “thua” nhưng vẫn bấm “NO”
. Nhưng tôi thấy gần như các luật, nghị quyết… đều được thông qua với tỉ lệ rất cao. Ông nằm ở đâu, tỉ lệ cao hay thấp?
+ Có lẽ tôi là một trong ít người bấm “NO” với Luật Đất đai. Tôi đã có ba bài phát biểu về luật này, trong đó đề cập đến ý kiến đất nông nghiệp, ta bó lại. Hiện nay Chính phủ muốn mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai nhưng Luật Đất đai đã bó lại. Không phải mình tôi. Nhiều người đã bấm nút không thông qua Luật Đất đai.
. Ngoài luật này ông còn không bấm nút thông qua luật nào?
+ Khó có thể nhớ hết. Luật Giáo dục quốc phòng là một ví dụ nữa. Tôi cho là đã có một luật giáo dục và các luật, chính sách khác. Thế tại sao phải làm một luật riêng về vấn đề này? Cá nhân tôi không thông qua.
Nhưng cũng nói thật, nhiều luật do hiểu biết của mình mà bấm nút trong tình trạng tin cậy, ủy thác vào Chính phủ, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Sự thật là không ai hiểu biết tất cả và không có đội ngũ chuyên gia, văn phòng.
. Bấm nút không thông qua, trong khi đại đa số ĐB thông qua hết. Lúc nhìn thấy tỉ lệ rất cao, tâm trạng ông thế nào?
+ Tôi nghĩ mình là thiểu số và có cảm giác của người thua cuộc, phải chấp nhận. Trước khi bấm nút không thông qua, mình đã biết mình là thiểu số, thua cuộc. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã thể hiện được chính kiến của mình, dù có ai biết hay không.
Tôi thường thể hiện thái độ của tôi bằng những quan điểm của mình ở các phiên thảo luận. Đôi khi tôi cũng tự hỏi sao mình không theo số đông? Nhưng chắc bạn cũng biết, chân lý nhiều lúc cũng không thuộc về số đông.
Có bao nhiêu đại biểu trăn trở?
. Bấm nút là kết quả của những tranh luận, thảo luận tại QH. Vừa rồi, ông thấy thảo luận và tranh luận tại QH thế nào?
+ Tôi mừng khi có nhiều bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề và trả lời cặn kẽ. Tuy vậy, có những vấn đề rất lớn của quốc gia mà không thấy ĐB nhắc. Chẳng hạn như đất quốc phòng, sân golf Long Biên, Tân Sơn Nhất, Miếu Môn… Đó là những gì nhân dân mong đợi.
Luật Đất đai đã quy định rõ, thế tại sao đất quốc phòng không sử dụng vào mục đích quốc phòng, không trả mà giữ lại làm kinh tế? Tại sao những câu chuyện ấy không xuất hiện? Câu chuyện Đồng Tâm cũng không được đặt ra tại nghị trường.
Dân khao khát có những giải trình và chất vấn là cơ hội để Chính phủ giải trình. Đừng nghĩ đó là những vấn đề không tốt.
. Những trăn trở của ông còn rất mãnh liệt. Ông sẽ nói gì với các ĐB về vấn đề bấm nút?
+ Vấn đề là có bao nhiêu người khi bấm nút trăn trở và việc bấm nút ấy đi vào tận giấc ngủ? Bao nhiêu người bấm nút xong không đọng lại cái gì? Đó là một câu hỏi trăn trở của tôi.
. Xin cám ơn ông.
Nhận trách nhiệm về BLHS 2015 . Phóng viên: Tôi muốn đề cập đến BLHS 2015. Câu chuyện này có đọng lại trong ông những ấn tượng về trách nhiệm của QH đối với một bộ luật ảnh hưởng chặt chẽ đến sinh mạng theo nhiều nghĩa của công dân không? + Ông Lê Nam: Số đông ĐBQH khóa XIII biết được vị trí, tầm quan trọng của bộ luật này. Tôi đã công khai nhận trách nhiệm về việc bấm nút thông qua BLHS 2015. Khi bộ luật bị hoãn thi hành, tôi nghĩ đó là những khiếm khuyết lớn nhất của cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Bạn nên nhớ đa số lỗi của BLHS là lỗi kỹ thuật. Còn những quan điểm về chuyên môn thì không có nhiều. ĐB không thể hiểu hết được những vấn đề kỹ thuật. Tôi tiếp cận hình sự hơn 30 năm, từ những khái niệm cơ bản nhất mà còn có lúc chới với, huống chi là những người ít tiếp cận được. Trong 500 ĐB, tôi không biết liệu có được 100 ĐB hiểu được lĩnh vực hình sự không? Sợ mất lòng bộ trưởng Có một câu chuyện là khi chất vấn thì sợ mất lòng bộ trưởng. Không phải tất cả đều như vậy nhưng nhiều ĐB như vậy. Kể cả tôi khi chất vấn tôi cũng sợ mất lòng ông A, ông B. Cá nhân tôi chả cần gì các ông ấy cả. Tôi từng chất vấn xong thì tối về có đồng chí ở địa phương trao đổi lại là: “Anh ấy điện vào phàn nàn tại sao lại thế”. Tôi nói tôi chả có vấn đề gì, tinh thần xây dựng thôi. Vì sao địa phương bị lệ thuộc, bị chi phối rất lớn, rất sợ các bộ trưởng mất lòng? Tình hình này thì phải sợ mất lòng là đúng. Đó là một sự thật. Nên trong ứng xử của ĐBQH có những cái ràng buộc, chi phối. Ông LÊ NAM (ĐBQH khóa XIII)
|
Tác giả: Chân Luận
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM