Với cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn đã chi phối, yêu sách, áp đặt Hà Văn Thắm việc chi lãi ngoài để trục lợi, sử dụng tiền để chi cá nhân và chia chác..., đại diện VKS đề nghị xử phạt Sơn mức án chung cho cả 3 tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là tử hình.
Chiều qua, luật sư dành thời gian phân tích cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.
Luật sư của bị cáo Sơn cho rằng: Bản thân Sơn không có tài liệu chứng minh việc dùng số tiền này như thế nào. Trong số tiền này, Sơn khai đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh từ 30- 40 tỷ đồng. Số còn lại dùng vào việc chi đối ngoại theo yêu cầu của Thắm.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Minh Quang |
Sơn nhớ đã nhận khoảng 200 tỷ và đưa hết cho ông Ninh Văn Quỳnh để chi hoạt động đối ngoại phục vụ các đoàn công tác trong nước, ngoài nước, thăm hỏi, quà cáp vào các dịp lễ, tết… Khi Sơn cần tự mình chi với tư cách của mình thì yêu cầu ông Ninh Văn Quỳnh đưa cho Sơn.
Những khoản chi này không thể hạch toán theo chế độ tài chính kế toán của Nhà nước.
Sơn không nói cụ thể các khoản tiền lễ tết này chi cho ai vì việc đi thăm viếng lễ tết, quà cáp là “tấm lòng của doanh nghiệp”, “những người được biếu quà không ai yêu cầu đòi hỏi gì, nên về mặt đạo lý, Sơn xin phép HĐXX không được khai cụ thể tên tuổi của ai”.
Luật sư cho rằng, Sơn cũng khai đã chi cho một vài cá nhân ở một số đơn vị thuộc PVN có quan hệ sử dụng dịch vụ của ngân hàng Đại Dương. Rất đáng tiếc là có một số hoạt động Sơn có chi và khai cụ thể, nhưng lại không được điều tra, xác minh làm rõ.
Theo luật sư, trong số các khoản tiền chi theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, có khoản chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh. Đầu tiên, ông Quỳnh còn dõng dạc khẳng định ông ta không nhận một đồng nào từ Nguyễn Xuân Sơn.
Sau khi bị khởi tố, bị bắt tạm giam để điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án, ông Ninh Văn Quỳnh bước đầu đã phải thừa nhận đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, lời khai chi tiền của Nguyễn Xuân Sơn đã có địa chỉ cụ thể, tuy chỉ là số tiền ít ỏi so với tổng số tiền Sơn khai đã chi.
Luật sư đặt vấn đề: Còn một số người khác theo lời khai của Sơn, họ vẫn chưa thừa nhận, nhưng biết đâu đến một lúc nào đó, họ sẽ thừa nhận sự thật trong lời khai của Nguyễn Xuân Sơn?
Luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Minh Quang |
Theo quan điểm của luật sư, nếu kết luận Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, sau này, những người nhận tiền của Sơn khai ra hoặc CQĐT làm rõ được trong giai đoạn 2 thì cũng không ảnh hưởng đến số phận pháp lý của Sơn.
Ngược lại, cứ kết luận Sơn phạm tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, có thể sẽ làm oan sai cho Nguyễn Xuân Sơn.
Vẫn theo luật sư, cần xét bản chất hành vi của Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo trong mối quan hệ giữa PVN và Oceanbank tại thời kỳ mà cơ chế, chính sách về tài chính có những điểm không phù hợp với sự phát triển của quy luật thị trường.
Để tồn tại và phát triển trong môi trường pháp lý đó, các doanh nghiệp đã phải tìm cách lách luật, vượt qua những rào cản, khuôn mẫu sơ cứng, thậm chí phải thực hiện những hành vi tiêu cực do mặt trái của cơ chế thị trường tạo ra.
Vì thế, đánh giá bản chất của vụ án này cần đặt trong mối quan hệ tổng thể, biện chứng với toàn bộ cơ chế, chính sách sẽ thấy, dường như các bị cáo không chỉ là hiện tượng tiêu cực của cơ chế mà còn là nạn nhân - theo luật sư của Sơn.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet